Gần 20 năm gắn bó với dân làng

08:04, 20/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ) nằm heo hút, chênh vênh trên núi Nước Tươi, gần như quanh năm sương giăng phủ kín. Ở đấy có 5 thầy cô giáo, đã trên dưới 20 năm thầm lặng cắm bản dạy chữ cho dân từ những ngày đầu Làng Tốt nằm trong danh sách cần xóa mù chữ.

Xóa mù chữ cho dân

Vào những năm 1997, Làng Tốt có khoảng 40 hộ dân sinh sống dưới chân núi Nước Tươi. Đây là vùng "trắng" về cơ sở vật chất. Không đường, không điện, không trường học, trạm y tế, và điều đáng lo hơn là đại đa số người Hrê ở đây không biết đọc và nói tiếng Kinh. Ước mơ được đến trường của những đứa trẻ Làng Tốt vì thế càng trở nên xa vời.

 

Thầy Phạm Văn Bạc, người đã gần 20 năm dạy học ở điểm Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ).
Thầy Phạm Văn Bạc, người đã gần 20 năm dạy học ở điểm Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ).


“Chiến dịch” mang con chữ đến vùng đất “nhiều không” ấy được đặt trên đôi vai của những thầy cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết. Và đến nay tất cả họ, mái tóc đã nhuốm màu thời gian sau những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giáo dục. Ngược dòng thời gian, nhớ về những ngày đầu lên non dạy chữ, thầy Phạm Văn Bạc kể: “Khi viết đơn tình nguyện lên đây công tác, tụi tui chẳng thể nào hình dung hết những khó khăn đợi mình phía trước. Bởi băng rừng, vượt suối muốn hụt hơi, nhưng khi đến nơi thì không thấy trường lớp đâu cả. Không có trường lớp thì làm sao dạy học? Ý nghĩ, quay về đã thoáng qua đầu chúng tôi”.

Trước đây, người Làng Tốt sống du canh, du cư. Cứ nơi nào có đất đai làm lúa rẫy thì họ cất nhà sinh sống ở đấy. Vì vậy, dân cư sống rải rác khắp chân núi. Phải mất nhiều ngày, giáo viên mới vận động được dân đi họp, bàn về "cuộc cách mạng xóa mù chữ". "Đêm đầu tiên đến với dân làng, những ngọn đuốc sáng lên ở nhà già làng. Trước hàng chục hộ dân, già làng giới thiệu những người thầy từ dưới xã, dưới huyện lên để dạy chữ cho dân. Nghe giới thiệu, có thầy dạy chữ, người Làng Tốt nhìn nhau bảo: “Học chữ để làm gì? Học chữ có giống như ô-lắc (tiếng Hrê là uống rượu) không, có no cái bụng không?”. Phải nhờ uy tín và sự tận tâm khuyên bảo của già làng, dân Làng Tốt mới chịu đi học"-thầy Bạc nhớ lại.
 

“Muốn dạy học ở đây, giáo viên phải học tiếng Hrê, hiểu được phong tục tập quán của đồng bào thì mới công tác được. Vậy nên, giờ tất cả chúng tôi ở đây đều trở thành người của Làng Tốt này”.
Cô giáo HUỲNH THỊ XÍU

Trường được dựng lên. “Thời khóa biểu” định ra là: Ban ngày dân lên nương, tối về xách đèn đi học chữ. Thầy Bạc bảo rằng: "Hồi đó những giáo viên dạy học ở điểm Làng Tốt như mình được đồng nghiệp nói vui là những ông giáo "đa năng". Đó là, ban đêm dạy cho người lớn, ban ngày dạy cho các cháu nhỏ. Chúng tôi mừng vì bây giờ ở Làng Tốt hầu như ai cũng biết đọc, biết viết. Có em sau khi học xong ở đây lại tiếp tục xuống xã, lên huyện học lên cao, giờ đã có công ăn việc làm ổn định".

Vừa dạy vừa... phải học

Bây giờ ngôi trường ở điểm lẻ Làng Tốt có 5 thầy cô giáo bám trụ gồm thầy Phạm Long Gây, Phạm Văn Bạc, Phạm Văn Ngóa, Thới Chiến và cô Huỳnh Thị Xíu, hầu hết họ đã lớn tuổi. Trong đó có những người đã cắm bản ở điểm Làng Tốt gần 20 năm. Chia sẻ vì sao nhiều năm nay không có giáo viên trẻ nào về đây cắm bản, cô Huỳnh Thị Xíu, người có thâm niên 17 năm dạy học ở Làng Tốt cười bảo: “Hồi chúng tôi mới lên đây cũng là giáo viên trẻ, nhưng giờ tất cả đã già rồi. Muốn dạy học ở đây, giáo viên phải học tiếng Hrê, hiểu được phong tục tập quán của đồng bào thì mới công tác được. Vậy nên, giờ tất cả chúng tôi ở đây đều trở thành người của Làng Tốt này”.

Hôm chúng tôi đặt chân đến Làng Tốt, thầy Phạm Văn Ngóa, bị xuất huyết dạ dày phải đưa đi cấp cứu. Các thầy cô chia sẻ, thầy bị đau từ đêm hôm qua, nhưng vì ban đêm, không chở ra Trạm y tế xã được vì đường quá xấu, phải chờ đến lúc trời sáng mới dám đi. “Cũng may là hôm ấy trời nắng nên xe máy di chuyển được, chứ còn trời mưa, đường sá trơn trượt, phải dùng võng khiêng người ốm ra trung tâm xã. Khổ cực vậy đó, nhưng đã mấy chục năm nay, không một ai ở điểm trường này bỏ nghề, bỏ Làng Tốt cả”, cô Xíu cười hiền.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN


 


.