Chuyện vượt khó của học trò vùng cao

10:04, 22/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thi thoảng, khi tình cờ lướt qua những dòng thông tin về bạo lực học đường, về vấn đề sử dụng ma túy, chất kích thích trong học sinh, hoặc dòng tâm sự hoang mang của một vài bạn trẻ, khi không xác định được mục đích sống của bản thân, tôi lại mong, giá mà những học sinh ấy, có một lần được đến với các xã vùng cao, để trải nghiệm, để quan sát những người bạn đồng trang lứa của mình đang vượt khó như thế nào mới theo đuổi được giấc mơ con chữ.

TIN LIÊN QUAN


Đổi gạo, lấy vở

Đó là một buổi trưa nắng gắt ở trung tâm xã Ba Bích (Ba Tơ). Trong lúc dừng lại nghỉ chân tại một quán nước ngay cạnh UBND xã rồi tiếp tục hành trình tìm đến làng Mâm – một ngôi làng nằm tách biệt dưới chân núi Gò Pót. Tôi chợt thấy cô bé mặc đồng phục học sinh đen nhẻm, nhỏ thó; một tay cầm sách vở, một tay cầm theo một túi nilon nhỏ xíu đựng gạo đứng lấp ló ngoài cửa. Thấy vậy, cô chủ quán liền bước ra, đón lấy túi gạo rồi hỏi: Thế hôm nay cháu muốn đổi vở hay đổi viết?”. “Dạ, cháu hết vở rồi, cô cho cháu quyển vở”, cô bé lí nhí trả lời bằng tiếng Kinh chưa sỏi.

Học sinh vùng cao
Học sinh vùng cao "tự chế" cặp sách từ áo khoác.


Đợi cô bé rời đi, cô chủ quán liền chép miệng phân trần. Cô bảo với tôi rằng, lúc mới từ miền xuôi tìm về đây kinh doanh, cô cũng lạ lẫm như tôi bây giờ. Nhưng dần dà, cô cũng quen dần với chuyện học sinh mang gạo, măng rừng, củi, chuối rừng để đổi lấy đồ dùng học tập.  “Thi thoảng, hết gạo để đổi, măng rừng cũng chưa vào mùa, tụi trẻ vẫn tìm đến tôi để “ghi nợ” tiền mua bút, thước, sách vở... "Dẫu biết rằng phải rất lâu chúng mới trả được, nhưng tôi chẳng nỡ lòng từ chối ai bao giờ. Bởi thấy tụi trẻ, tôi lại nhớ đến con mình. Tính ra, con mình vẫn còn may mắn quá”, chị Quyên, chủ quán nước nhỏ ở xã Ba Bích tiếp lời.

Dùng áo khoác làm cặp sách

Rời Ba Bích (Ba Tơ), tôi tiếp tục cuộc hành trình xa hơn. Và trên những chặng đường núi lắm gập ghềnh đó, tôi lại được chứng kiến nhiều hơn những mảnh đời khó khăn, nhưng vẫn luôn biết mỉm cười vươn lên, quyết tâm bám lớp, bám trường của học trò nơi rẻo cao...

Giờ tan trường tại một điểm lẻ của Trường Tiểu học Trà Lãnh (Tây Trà), từng tốp học sinh cứ thế ùa ra như đàn chim vỡ  tổ.  Trong số đó, chỉ có rất ít học sinh có đầy đủ cặp và nón. Còn lại đều để đầu trần, đi chân trần và cầm sách vở trên tay, hoặc giắt vào lưng quần.

Không cầm sách vở trên tay như nhiều học sinh khác, cô bé Hồ Thị Phương tự làm cho mình một chiếc cặp sách bằng áo khoác để chứa sách vở. Hai tay áo được Phượng khéo léo cột vòng xuống trước ngực. Thân áo được gấp lại vừa khéo để có thể giữ được sách vở trên lưng. Tôi hỏi Phương, sao không mặc áo khoác vào cho đỡ nắng. Cô bé mới học lớp 3 thôi, nhưng đã biết trả lời rất rắn rỏi: “Con sợ sách vở mà cầm trên tay thì sẽ bị rớt, bị rách, bị nhèo. Nên ráng chịu nắng để lấy áo làm cặp đựng sách. Sách sẽ mới hơn..."

Mơ về bữa cơm có thịt

Không chỉ thiếu thốn về đồ dùng học tập. Bữa cơm có đầy đủ thịt cá cũng là một giấc mơ xa xỉ đối với nhiều học sinh miền núi. Bởi phần thì kinh tế gia đình các em đều rất khó khăn, phần thì thịt, cá, thậm chí trứng gà, vịt... khi lên đến miền núi đều có giá rất cao.

Tôi từng giật mình khi biết giá của mỗi quả trứng gà công nghiệp bán ở xã Trà Khê (Tây Trà) lên đến 6 nghìn đồng, trong khi ở dưới xuôi, ngần ấy tiền có thể mua hẳn hai quả. Ấy vậy nên khi được tặng trứng gà, những tưởng các em học sinh ở điểm lẻ thôn Hà của Trường THCS Trà Khê sẽ ăn bằng hết. Nhưng không! Buổi trưa hôm ấy, các em chỉ dám lấy đúng 1 quả để nấu canh cho mười mấy em cùng ăn... Phần còn lại các em gói ghém cẩn thận rồi mang cất đi... Và tôi chợt cay mắt khi nghe các em ấy dặn dò nhau, lâu lắm mới biết đến vị của trứng, nên phải để dành, phải dè sẻn cho những bữa trưa tiếp theo...

Bài, ảnh: Ý THU
 


.