Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú: Có nên quá cứng nhắc?

02:04, 19/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Sau 4 năm thực hiện Quyết định 84/QĐ-UBND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường trung học phổ thông dân tộc bán trú, không thể phủ nhận những hiệu quả thiết thực mà chính sách mang lại với học sinh bán trú, nhất là với học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Tuy vậy…

TIN LIÊN QUAN

Chính sách đúng
 
Thực hiện Quyết định 85/2010-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, năm 2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 84/QĐ-UBND để triển khai thực hiện. 
 
Theo đó, mỗi tháng, học sinh bán trú được hỗ trợ 40% lương tối thiểu và thêm 10% lương tối thiểu với học sinh ở lại nhà dân và được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng theo Quyết định 36 của Chính phủ. 
 
Đối tượng được thụ hưởng là học sinh bán trú nhà xa trường với khoảng cách từ 4km trở lên (học sinh tiểu học) và 7km với học sinh THCS; khoảng cách từ 1km với học sinh tiểu học và 2km với học sinh THCS với trường hợp địa hình cách trở, qua sông, suối (không có cầu), đồi núi cao có thể gây mất an toàn, nguy hiểm với học sinh, không thể đi về trong ngày. 
 
Các chính sách được thực thi đã mang đến niềm vui vô bờ bến cho thầy cô, học sinh và các bậc phụ huynh ở vùng đặc biệt khó khăn. Học sinh đã khăn gói về ở nội trú ngay trong trường, một số khác vì điều kiện trong trường không cho phép đã dựng lều tạm xung quanh trường nuôi con chữ. 
 
 
Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực với học sinh vùng cao.
Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực với học sinh vùng cao.
 
Tuy chưa thể vui trọn vẹn khi điều kiện ăn ở bên ngoài còn tạm bợ, nhưng từ ngày có bán trú các em được ăn no, đầy đủ hơn, các em cũng dạng dĩ, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Không còn lo nhiều về bữa ăn giấc ngủ, đường sá xa xôi hiểm trở, học sinh yên tâm học hành hơn.
 
Theo thầy Phạm Sơn- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà, có thể khẳng định, chính sách này đã và đang đem lại nhiều ưu việt cho phát triển giáo dục tại Quảng Ngãi nói chung và huyện Tây Trà nói riêng. Nó thực sự giúp học sinh ở vùng cao có điều kiện học tập tốt hơn, nhất là trong việc vận động học sinh ra lớp và duy trì sỉ số tại các trường vùng khó, hạn chế được tình trạng bỏ học, học giã gạo. 
 
Có nên cứng nhắc?
 
Tại Trường Tiểu học xã Trà Phong (Tây Trà) năm học 2014-2015 có 148 em được hưởng theo chế độ này, nhưng đến năm học 2015- 2016, sau quyết định thanh tra của Thanh tra huyện Tây Trà, số học sinh được hưởng giảm xuống chỉ còn 42 em.
 
Hơn 100 học sinh bị cắt hỗ trợ vì khoảng cách từ nhà đến trường không đủ, điều đáng nói là không ít trường hợp chỉ thiếu vài chục mét theo quy định khi đường đi đã nhựa hóa, bê tông hóa. Cá biệt có nơi, em ở đầu xóm được hưởng, em ở cuối xóm thì bị cắt nên phụ huynh so bì cho con nghỉ học.
 
Thầy Nguyễn Trí Dũng- Hiệu trưởng nhà trường tâm tư: “Chuyện thiếu, đủ cây số theo quy định chúng tôi quá biết, nhưng mình làm vì cái tình với học sinh. Như học sinh ở Làng Ré, cách trung tâm 3,4- 3,6km đường nhựa, nhưng đường lại dốc đứng, các em đi bộ về tới nhà mất 2 giờ đồng hồ, đói bụng, mệt lã thấy mà thương”.
 
Trong các đợt thanh tra của Thanh tra huyện Tây Trà vào năm 2015 đã phát hiện 3 trường vi phạm trong việc thực thi chính sách này. Thanh tra huyện cũng yêu cầu các trường khắc phục sai phạm bằng cách thu hồi lại số tiền đã chi sai.
 
 
Học sinh dựng lều nuôi chữ.
Học sinh dựng lều nuôi chữ ở huyện Tây Trà.

 

Hiện Thanh tra huyện đang tiếp tục thanh tra các trường khác. Và nếu làm cứng nhắc theo quy định, huyện Tây Trà sẽ có hơn 1.000 học sinh bị cắt hỗ trợ, khiến học sinh bị thiệt thòi, phụ huynh hoang mang.

Thầy Phạm Sơn- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà giãi bày: “Chúng tôi đã trình này với Đoàn Thanh tra về những khó khăn trong thực thi chính sách, nhưng họ bảo cứ làm theo quy định, về cái lý thì mình sai, nhưng mình vì lợi ích học sinh. Nếu làm vậy thì quá cứng nhắc, không phù hợp với thực tế”.
 
Với học sinh vùng cao, địa hình đồi dốc hiểm trở, việc đến trường bằng xe đạp là điều không thể. Năm học này, toàn huyện có 33 em học sinh bỏ học, hầu hết thuộc đối tượng này.
 
Gặp em Hồ Văn Tiêu, ở Làng Ré, nguyên là học sinh Trường THCS Trương Ngọc Khang đang cắt lá về cho trâu ăn ven đường, em Trêu tâm sự: “Ngay sau khi bị cắt hỗ trợ, ba mẹ không có tiền cho em trọ ở gần trường để đi học nữa nên em phải ở nhà phụ ba mẹ đi rẫy, chăn trâu”.
 
Mỗi ngày đi học 2 buổi, các em đuối sức nếu khi đi về 4 lượt giữa nhà và trường nên học sinh ở đây hầu hết học giã gạo sau khi bị cắt chế độ. Nhiều em cho biết, đi bộ về đến nhà đã 12 giờ30 phút trưa, chân mỏi rã rời nên chiều các em không còn sức đến lớp.
 
Không chỉ tại huyện vùng cao Tây Trà mà tại các địa phương miền núi khác, nếu làm đúng theo quy định này, sẽ có hàng chục ngàn học sinh bị cắt hỗ trợ. Các em lại đối mặt với khó khăn, vất vả như trước kia. Và chuyện học giã gạo, nguy cơ bỏ học với đối tượng học sinh này lại tái diễn. Vì thế, các địa phương rất mong chính sách này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 

.