Các hội đồng thi được chủ động công bố kết quả

06:03, 12/03/2016
.

 


Rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT không còn giữ "độc quyền" công bố điểm thi nữa mà để cho các hội đồng thi chủ động công bố.

 

Năm 2016, các hội đồng thi sẽ được chủ động công bố điểm thi
Năm 2016, các hội đồng thi sẽ được chủ động công bố điểm thi


Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành Thông tư 02/2016/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế thi THPT quốc gia.

Cụm thi ĐH dành cho cả hai đối tượng thí sinh

Mỗi tỉnh, TP trực thuộc TƯ tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT và với trường ĐH, CĐ khác tổ chức (cụm thi ĐH);

Cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH, CĐ tổ chức (cụm thi tốt nghiệp).

Tùy tình hình cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định không tổ chức cụm thi tốt nghiệp mà tổ chức cho cả hai đối tượng thí sinh dự thi ở cụm thi ĐH tại địa phương.

Mỗi điểm thi được bố trí một điện thoại cố định dùng để liên hệ với hội đồng thi; ở những điểm thi không thể bố trí được điện thoại cố định thì bố trí một điện thoại kéo dài hoặc điện thoại di động đặt cố định tại phòng trực của điểm thi.

Mọi cuộc liên lạc trong thời gian thi đều phải bật loa ngoài và nghe công khai. Trong trường hợp cần thiết, có thể bố trí máy tính tại phòng trực của Điểm thi và đảm bảo máy tính chỉ được nối mạng khi chuyển báo cáo nhanh cho hội đồng thi.

Trong khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo, không được mang và sử dụng các thiết bị thu, phát thông tin.

Hội đồng thi được công bố kết quả

Điều 11 về "Quản lý và sử dụng dữ liệu thi" quy định các Hội đồng thi công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ GDĐT và hoàn thành việc đối chiếu giữa dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ GDĐT với dữ liệu kết quả thi lưu tại Hội đồng thi.

Bộ GDĐT chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh; các sở GDĐT sử dụng dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; các trường ĐH, CĐ, trung cấp sử dụng dữ liệu thi để tuyển sinh.

Thời gian nộp Phiếu đăng ký dự thi được quy định trong văn bản hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ GDĐT.

Khi hết hạn nộp Phiếu đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho Hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.

Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày thi mới có giá trị".

Điểm phúc khảo lệch từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh

Về kết quả chấm phúc khảo bài thi tự luận được quy định: Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi cho hai cán bộ chấm phúc khảo ký xác nhận;

Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng Ban Phúc khảo tổ chức cho cán bộ thứ ba chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác;

Nếu kết quả chấm của hai trong ba cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo. Nếu kết quả chấm của cả ba cán bộ chấm phúc khảo lệch nhau thì Trưởng Ban Phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo rồi ký tên xác nhận;

Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm. Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản).

Thông tư 02 cũng quy định, thí sinh bị đình chỉ thi môn thi nào sẽ bị điểm 0 (không) môn thi đó; không được tiếp tục dự thi các môn thi tiếp theo; không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
 

Theo Bảo Hân/Hà Nội Mới

 


.