Trường học "3T"

07:02, 08/02/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Năm học 2015-2016, lần đầu tiên Quảng Ngãi đưa Mô hình “Trường học mới” vào thí điểm ở bậc THCS. Mô hình kỳ vọng sẽ giúp học sinh hình thành 3 kỹ năng “3T”- “Tự học, tự quản, tự đánh giá” trong học tập.
 
Mỗi tiết học là một sự trải nghiệm
 
Trước khi theo chân lãnh đạo tỉnh đến dự giờ tiết học theo mô hình “Trường học mới” tại Trường THCS Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), trong đầu tôi mường tượng đến cảnh, học trò vẫn là "diễn viên phụ họa" với mục đích “biểu diễn” để giáo viên có được một bài giảng hoàn chỉnh mà lâu nay hầu hết các nhà trường áp dụng mỗi khi dự giờ, thao giảng.
 
Nhưng tôi đã nhầm! Học sinh đã thể hiện sự mạnh dạn, tự tin và chủ động đến mức khó tin. Với mô hình này, lối học thụ động, im phăng phắc như phương pháp học truyền thống đã hoàn toàn cởi bỏ.
 
Tiết học khoa học tự nhiên của lớp 6B bắt đầu. Lớp học được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm có 6- 7 học sinh, bàn ghế được xếp thành hình chữ U để các em tiện trao đổi nhóm. Cô Đặng Thị Dung, giáo viên dạy môn Sinh học bắt đầu giới thiệu về bài học: Động vật, thực vật sống. Em hãy kể tên động vật, thực vật sống mà em biết?
 
Các nhóm bắt đầu làm việc. Sau thời gian thảo luận sôi nổi, đại diện các nhóm đưa ra ý kiến. Những cánh tay liên tiếp giơ lên. Nhóm Cần Cù cho rằng, mèo, chó, gà, vịt là động vật; cây cối là thực vật. Nhóm Vững Mạnh thì bảo chó, mèo là động vật, còn gà, vịt thì không. 

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích dự giờ tại Trường THCS Nghĩa Lâm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích dự giờ tại Trường THCS Nghĩa Lâm.
 
Những em ít giơ tay, nhút nhát được cô Dung gọi nhiều hơn. Kết thúc phần tranh luận, cô giáo giải thích và đưa ra kết luận là cả chó, mèo, gà, vịt đều là động vật. 
 
“Cách thức tổ chức lớp học theo các nhóm đã tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, khám phá, tự chiếm lĩnh kiến thức. Tất cả các học sinh đều được các bạn khác trong nhóm kiểm tra và giáo viên gọi phát biểu nên không xảy ra tình trạng “bị bỏ rơi”- Cô Dung chia sẻ.
 
Quan sát thực tế tại giờ học, chúng tôi nhận ra điểm khác biệt lớn nhất với phương pháp giáo dục truyền thống là lớp học rất sôi nổi, các em tự tin tranh luận, giải đáp, bày tỏ những suy nghĩ của mình mà không phải e dè, sợ sệt. Một tiết học với các em là một sự trải nghiệm để chiếm lĩnh kiến thức chứ không còn là thụ động tiếp nhận kiến thức.
 
Cô Võ Thị Thu Thuỷ- giáo viên bộ môn Vật lý cho biết, cái ưu điểm của mô hình này là sự thay đổi linh hoạt, không chỉ các em có học lực giỏi, khá được làm nhóm trưởng mà ngay cả các em yếu, kém cũng đảm nhận chức vụ này để các em tự tin hơn.
 
Ưu việt vượt trội
 
Mô hình “Trường học mới” hay còn gọi là VNEN là kiểu dạy học áp dụng việc đổi mới sư phạm, trong đó nổi bật là quá trình “Tự học, tự quản, tự đánh giá” của học sinh dưới sự tổ chức linh hoạt của giáo viên, từ đó dần hình thành và phát triển các tính cách phù hợp với các mục tiêu giáo viên hiện đại, nhân văn theo mô hình giáo dục quốc tế.

 

thân thiện
Học sinh sẽ “Tự học, tự quản, tự đánh giá” dưới sự tổ chức linh hoạt của giáo viên.
 
Năm học 2015-2016, Sở GD&ĐT đưa mô hình này triển khai thí điểm tại 22 trường THCS với 70 lớp và 2.266 học sinh tham gia. Thực hiện hiệu quả mô hình này sẽ là tiền đề quan trọng để các nhà trường, học sinh tiệm cận với chương trình đổi mới giáo dục phổ thông triển khai trong thời gian tới.
 
Thầy Đinh Hồng Mai- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa cho biết, những ngày đầu, để thay đổi cách dạy truyền thống, các trường gặp không ít khó khăn do giáo viên chưa có kinh nghiệm, thiếu thốn cơ sở vật chất, phụ huynh dè dặt, không ít phụ huynh xin chuyển trường cho con. Vượt qua những khó khăn đó, khi bắt tay vào dạy, ai cũng nhận thấy được hết cái hay, ưu việt vượt trội mà trước đó còn rất hoang mang.
 
Với cách tổ chức lớp học theo mô hình VNEN không chỉ làm cho không gian phòng học trở nên đẹp hơn, thân thiện hơn. Học sinh rèn được cách học, cách tư duy, tự học, hoạt động, trải nghiệm, hợp tác từ đó hoàn thành nhân cách hoàn hảo.
 
Vừa qua, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội thảo, nhằm đánh giá những kết quả đạt được và rút ra những bài học kinh nghiệm sau một học kỳ tổ chức thực hiện. Vui mừng trước tính ưu việt của VNEN, ông Trần Hữu Tháp- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, mô hình này đã đem lại kết quả vượt trội, tạo hứng thú cho học sinh. 
 
Các em được trang bị những kỹ năng về giao tiếp, mạnh dạn và tự tin hơn. Dạy học theo mô hình VNEN là cần thiết để nâng cao chất lượng dạy và học trong mỗi nhà trường, phù hợp với sự phát triển chung của nền giáo dục hiện đại. Năm học tới, Sở sẽ nhân rộng ở các khối lớp.
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.