Người "thổi hồn" vào môn Sử

09:02, 10/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước tình trạng học sinh lơ là với môn Sử, thầy Cao Khắc Tý (32 tuổi) giáo viên môn Sử - Trường THCS Hành Thuận (Nghĩa Hành) đã sáng tạo ra mô hình "Sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954" giúp các em tận mắt nhìn thấy quy mô, diễn biến, ý nghĩa chiến lược quan trọng của trận đánh lịch sử này.

Thầy giáo Cao Khắc Tý tuy là giáo viên trẻ, nhưng rất nhiệt huyết với nghề. Giờ học môn Sử của thầy Tý, học sinh luôn thích thú, vì những sự kiện lịch sử được thầy tái hiện một cách sinh động, gần gũi dễ nhớ. Em Lê Thị Minh Thịnh - lớp 9A chia sẻ: "Những tiết học của thầy Tý rất thú vị, nó không gò bó theo khuôn khổ. Thầy dạy học giống như đang kể một câu chuyện về lịch sử cho chúng em nghe và cả lớp dường như cuốn vào câu chuyện thầy kể. Em cảm thấy môn Sử không hề khó học như nhiều người nghĩ".

Tranh thủ giờ giải lao, các em học sinh tìm hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ bằng mô hình của thầy giáo Cao Khắc Tý.
Tranh thủ giờ giải lao, các em học sinh tìm hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ bằng mô hình của thầy giáo Cao Khắc Tý.


Trong quá trình giảng dạy, thầy Tý nhận thấy các thiết bị bổ trợ cho việc giảng dạy môn Sử rất ít, làm cho học sinh khó tiếp thu nên cảm thấy nặng nề. Vì thế, giữa năm học vừa qua, được sự cho phép của Hội đồng nhà trường, thầy Tý đã sáng tạo ra mô hình "Sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954" để các em học sinh chiêm nghiệm thực tế và từ đó sẽ hiểu rõ hơn về trận đánh lịch sử này.

 Thầy Tý tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ một cách rõ nét. Thung lũng Mường Thanh hiện ra sống động với các cứ điểm quan trọng như phân khu Bắc, phân khu Nam, phân khu Trung tâm. Theo thầy Tý, đây là mô hình thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và sự tài trí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ phương châm "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhằm hạn chế sự hy sinh cho quân ta mà vẫn giành được chiến thắng, thể hiện tấm lòng nhân văn của người lãnh đạo. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn được mệnh danh là trận Bạch Đằng - Chi Lăng của thế kỷ XX.

Mô hình này được thầy Tý và học trò Trường THCS Hành Thuận cùng nhau thực hiện trong vòng một tháng. Thầy Tý vẽ sơ đồ trên giấy, đánh dấu những vị trí chiến lược, từ những điểm nhỏ nhất đến quan trọng nhất. Sau đó, thầy Tý dựng mô hình này bằng vật liệu chính là xi măng, vì theo thầy Tý, xi măng tuy nặng nhưng rất chắc chắn, nó sẽ thể hiện hết ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Thầy Tý cho biết: "Học môn Sử không nhất thiết phải ngồi một chỗ trong phòng mới học tốt, đôi khi chúng ta cần tạo không gian mới để học sinh có sự hứng thú. Chính vì vậy, tôi chọn vật liệu chính là xi măng chứ không phải xốp", thầy Tý tâm sự.

Trên nền tảng đó, các em học sinh tự nguyện đóng góp những đồ chơi như: Doanh trại của địch, quân lính, cột cờ, máy bay, xe tăng cốt thép để cùng với thầy Tý hoàn thiện mô hình. Em Lê Thị Ánh Huyền, học sinh lớp 9A cho biết: "Mỗi một ngòi bút, bánh xe ô tô, đồ chơi hỏng đều được chúng em tận dụng đóng góp để cùng thầy hoàn thành mô hình. Khi được cùng với thầy làm mô hình này, chúng em hiểu cụ thể hơn về lịch sử oai hùng của dân tộc ta qua chiến dịch Điện Biên Phủ. Em nghĩ mỗi bạn tự cảm nhận được điều hay ở môn Sử và sẽ có cái nhìn khác để yêu môn Sử hơn". Nhờ có mô hình này mà học sinh Trường THCS Hành Thuận ngày càng yêu môn Sử hơn. Không chỉ bó buộc trong giờ học, các giờ ngoại khóa, nhiều em học sinh có nhu cầu  muốn tìm hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ bằng mô hình đều được thầy Tý thuyết minh tận tình. Thầy Tý tâm sự: "Giáo viên chỉ là người "truyền lửa", còn học trò có nhiệm vụ thắp sáng và duy trì ngọn lửa đó. Đặc biệt với môn Sử, nó rất thú vị, nên tôi hy vọng các em học sinh sẽ có và giữ được tình yêu với nó".

Nói về người thầy giáo trẻ nhiệt huyết Cao Khắc Tý, Hiệu trưởng Trường THCS Hành Thuận, thầy Phạm Tấn Quang tự hào cho biết: "Thầy Tý là một giáo viên năng động, luôn tìm tòi và đổi mới phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả nhất cho học sinh. Mô hình "Sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954" rất hữu ích không những cho học sinh, mà cả những người đã từng học về chiến dịch này. Khi nhìn vào đó, chúng ta sẽ hình dung và nhớ lại kiến thức đã học".


Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG


 


.