63 tỉnh, thành đều có cụm thi đại học

02:02, 25/02/2016
.

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia.

Theo đó, về cụm thi, dự thảo sửa đổi nêu rõ, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT và với trường ĐH-CĐ khác (gọi là cụm thi ĐH); cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH-CĐ (gọi là cụm thi tốt nghiệp). Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH cho cả 2 đối tượng thí sinh dự thi.
 

Sau giờ thi tại hội đồng thi trường ĐH Bách Khoa TPHCM kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: MAI HẢI
Sau giờ thi tại hội đồng thi trường ĐH Bách Khoa TPHCM kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: MAI HẢI


Dự thảo cũng nêu rõ, thành viên của hội đồng thi không được mang các thiết bị thu, phát thông tin trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo. Về công bố điểm thi, để tránh tình trạng nghẽn mạng như năm 2015, dự thảo nêu: các hội đồng thi công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT và hoàn thành việc đối chiếu giữa dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ GD-ĐT với dữ liệu kết quả thi lưu tại hội đồng thi. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh; các sở GD-ĐT sử dụng dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; các trường ĐH-CĐ, trung cấp sử dụng dữ liệu thi để tuyển sinh.

Khi hết hạn nộp phiếu đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường phổ thông hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung. Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.

Đặc biệt, dự thảo nêu, chủ tịch hội đồng thi căn cứ số lượng thí sinh đăng ký dự thi tại cụm và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để quyết định thành lập các điểm thi đặt tại trường ĐH-CĐ, trung cấp và các cơ sở giáo dục khác đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thi. Mỗi điểm thi có trưởng điểm thi và có thể có các phó trưởng điểm thi do chủ tịch hội đồng thi quyết định để điều hành toàn bộ công tác coi thi tại điểm thi được giao phụ trách. Cán bộ coi thi không được làm nhiệm vụ tại điểm thi có người thân dự thi.

Sau khi duyệt kết quả thi và gửi dữ liệu thi về Bộ GD-ĐT, chủ tịch hội đồng thi chỉ đạo ban thư ký hội đồng thi in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh có đăng ký xét tuyển sinh ĐH-CĐ (theo mẫu thống nhất do Bộ GD-ĐT quy định), ký tên, đóng dấu và gửi cho các sở GD-ĐT nơi thí sinh đăng ký dự thi. Mỗi thí sinh được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. Trong trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản) đối với các bài thi có điều chỉnh điểm. Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định.

Về cộng điểm ưu tiên, dự thảo nêu rõ, học sinh giáo dục THPT, học viên giáo dục thường xuyên trong diện xếp loại hạnh kiểm có giấy chứng nhận nghề do sở GD-ĐT hoặc các cơ sở GD-ĐT và dạy nghề do ngành giáo dục cấp trong thời gian học THPT; học viên giáo dục thường xuyên tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong giấy chứng nhận nghề. Loại giỏi được cộng 2 điểm; loại khá cộng 1,5 điểm; loại trung bình cộng 1 điểm...
 

 

Theo PHAN THẢO/SGGPO

 

 


.