Bản sắc Việt trong trường học

06:01, 23/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong ký ức thời cắp sách đến trường của nhiều người không thể thiếu những trò chơi dân gian mang tính gắn kết cộng đồng như kéo co, bịt mắt bắt dê, nhảy dây, bắn bi, rồng rắn lên mây, ô ăn quan, kéo cưa lừa xẻ... Đó là những dấu ấn đẹp của tuổi thơ, là bản sắc Việt trong trường học.

Bên cạnh đó, những bài đồng dao có văn vần độc đáo nói về các loại động thực vật và hiện tượng tự nhiên xung quanh... là “cuốn từ điển sống” vừa học vừa chơi thú vị. Trò chơi dân gian là một phần của kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, mang tính thẩm mỹ, giáo dục sâu sắc.

“Mùa nào chơi trò ấy”

Với học sinh miền núi, trò chơi dân gian chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong đời sống. Em Hồ Thị Bông, lớp 9, Trường THCS Trà Thủy (Trà Bồng) thích thú “giải nghĩa” về trò chơi dân gian ở miền núi: “Mùa nắng, các bạn nữ chơi nhảy dây. Còn mùa mưa không ra sân trường chơi được, các bạn chơi nẻ trong lớp”. Nẻ là trò chơi gồm 10 que dài và quả bóng tròn. Đối với trò chơi này đòi hỏi người chơi vừa nhanh mắt vừa lẹ tay tung bóng lên vừa cầm các que nẻ, sau đó chụp quả bóng. “Đến mùa hoa đót nở trắng rừng, sau những lúc phụ gia đình chặt đót, em giữ lại những thân đót tròn trịa để làm trò chơi nẻ với các bạn”, Bông chia sẻ.

Trong những ngày hội tại sân trường không thể thiếu các trò chơi cổ truyền như đi cà kheo, nhảy bao bố.
Trong những ngày hội tại sân trường không thể thiếu các trò chơi cổ truyền như đi cà kheo, nhảy bao bố.


Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, học sinh miền núi còn có niềm vui với các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc dành cho trẻ em như đi cà kheo, ném còn, đẩy gậy...

Bà Dương Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Trà Thủy cho hay: “Học sinh miền núi rất đam mê và thích thú với trò chơi dân gian. Những trò chơi cổ truyền mà các em lưu giữ lại không chỉ mang đậm tính cộng đồng, gắn kết tình bạn mà còn thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn và thông minh tuổi học trò. Trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhà trường luôn khuyến khích tổ chức trò chơi dân gian để các em thi tài, tạo không khí thi đua sôi nổi”.

Sức hút từ những trò chơi dân gian

Trong những ngày lễ hội tổ chức tại sân trường, phần hội luôn sôi động rộn ràng vì học sinh luôn háo hức tham gia vào các trò chơi dân gian. Thầy Nguyễn Thanh Huy - giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nam Đàn (Mộ Đức) cho hay, những trò chơi như kéo mo cau, kéo co, đua thuyền trên cạn, đẩy gậy, nhảy sạp... lôi cuốn được rất nhiều em tham gia. Thầy cô và các bạn bên ngoài reo hò, cổ vũ nhiệt tình nên các em chơi rất hòa đồng, khí thế.

So với học sinh miền núi, học sinh đồng bằng có nhiều điều kiện tiếp cận với các trò chơi hiện đại hơn. Thế nhưng, em Lê Thị Kiều Duyên, lớp 9C, Trường THCS Nam Đàn, chia sẻ: “Trong những giờ ra chơi, chúng em vẫn thích trò chơi dân gian vì có nhiều bạn cùng chơi. Từ năm học lớp 6, em đã đăng ký vào đội nhảy sạp của trường, được đi biểu diễn văn nghệ khắp nơi. Bạn trước hướng dẫn bạn sau nên tụi em làm quen thêm nhiều bạn bè”.

Tại Trường THCS Nam Đàn, nhà trường còn dành một phần kinh phí để mua dụng cụ hỗ trợ các em tổ chức trò chơi dân gian. Cũng từ những trò chơi dân gian đơn giản, dễ chơi, dễ tổ chức trong sân trường giúp học sinh vận động, phát triển thể chất, năng khiếu. Từ đó Trường THCS Nam Đàn thành lập các đội, nhóm năng khiếu gặt hái nhiều thành tích cao tại Hội khỏe Phù Đổng, Hội diễn văn nghệ các cấp. Em Đoàn Thị Thục Trinh, lớp 9C, Trường THCS Nam Đàn khoe: “Với trò chơi đẩy gậy, em đã đoạt Huy chương vàng tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh vừa qua đấy nhé”.

Ông Nguyễn Ngọc Tài - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộ Đức cho hay: “Trò chơi dân gian không chỉ đóng góp tích cực, hiệu quả vào phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong nhà trường”.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.