Trọng thầy mới được làm thầy

02:11, 22/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ lâu, tình cảm của học sinh (HS) đồng bào dân tộc thiểu số ở Trường THCS Long Sơn (Minh Long) đối với thầy cô giáo không phải bằng lời nói mà cả sự nỗ lực trong học tập. Để rồi, trong số các em đã có không ít người trở thành giáo viên về giảng dạy ở trường. Điều này như một minh chứng về truyền thống tôn sự trọng đạo: “Trọng thầy mới được làm thầy”.

TIN LIÊN QUAN

Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, thầy giáo Đinh Thanh Kiều được phân về chính nơi mình từng học tập để công tác. Ngày đầu đứng trên bục giảng, nhìn các em ngồi bên dưới toàn là con em đồng bào, với gương mặt ngây thơ, thầy Kiều như sống lại tuổi thơ của mình. Thầy hứa với lòng sẽ dạy cho các em bằng cả tình yêu thương của những người đi trước và cả trách nhiệm của một người thầy.

Thầy giáo người Hrê Đinh Thanh Kiều hướng dẫn cách học cho các em.
Thầy giáo người Hrê Đinh Thanh Kiều hướng dẫn cách học cho các em.


Để nâng cao công tác giảng dạy, thầy Kiều cũng đã học hỏi đồng nghiệp soạn giáo án điện tử. “Cách dạy này đã thu hút sự chú ý của HS. Các em được xem các thước phim tư liệu về chiến tranh ở những vùng đất, về những gương anh hùng của quê hương, đất nước. Từ những thước phim này, các em dễ dàng ghi nhớ các sự kiện lịch sử. Qua đó, giúp các em hiểu hơn về giá trị của hòa bình, độc lập”, thầy Kiều bộc bạch.

Cùng với thầy Kiều, thầy Đinh Văn Dem dạy môn Địa lý cũng từng là học sinh THCS ở trường Long Sơn, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn thầy rất đỗi vui mừng khi được về quê công tác. Các thầy cô giáo người Hrê còn tích cực vận động các em đến lớp. Vì cuộc sống nghèo khó, đường đi cách trở, nhiều HS đã nghỉ học, hoặc đi học không đều, thầy Kiều, thầy Dem đã trực tiếp đến từng nhà phân tích thiệt hơn cho phụ huynh và các em biết.

Em Đinh Văn Quy – học sinh lớp 9B, bộc bạch: Nhà ở tận Gò Tranh Trên, muốn đến lớp phải dậy từ khi gà gáy. Nhiều lúc muốn nghỉ học nhưng thấy thầy Kiều, thầy Dem là người đồng bào, giờ trở thành thầy giáo bọn em ngưỡng mộ lắm. Giờ em cố gắng học để sau này trở thành công an về giữ trật tự, bình yên cho thôn xóm”.

Tình yêu nghề, yêu trò của các thầy cô giáo ở Trường THCS Long Sơn không những giúp HS đam mê học chữ mà còn giúp các em hiểu rõ hơn về tinh thần tương thân, tương ái, đạo làm người. Đó cũng là sự tri ân của các thế hệ học trò đối với thầy cô ở xã vùng cao này.

Không chỉ đơn thuần dạy chữ


Sau tiết chào cờ hằng tuần, trước khi về lớp, các em lần lượt lấy trong cặp túi gạo (khoảng 0,5 - 1kg ...) bỏ vào “hũ gạo tình thương”. Có em còn rút trong túi vài nghìn bạc lẻ bỏ vào “con heo đất”. Số gạo, tiền này đã hỗ trợ, nâng bước biết bao hoàn cảnh khốn khó đến trường. Việc làm nhân ái này được cô Nguyễn Thị Thanh Nhiễu, giáo viên Tổng phụ trách đội phát động từ năm 2012. “Mỗi khi nhận gạo, tiền, nhận quần áo, các em HS nghèo biết ơn các thầy cô. Bài học về tình thương yêu cộng đồng bắt đầu từ đó. Cũng từ sự quan tâm này, nhiều em đã cố gắng học tập, không bỏ trường, bỏ lớp”, cô Nhiễu chia sẻ.

  

Bài, ảnh: MAI HẠ



 


.