Thầy cô như mẹ hiền

09:11, 20/11/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Sau giờ lên lớp, họ lại tất bật lo từng bữa ăn, chăm từng giấc ngủ cho học trò. Thầy cô giáo ở vùng cao như những người mẹ hiền chăm lo cho những đứa con thân yêu.

TIN LIÊN QUAN

 

No bụng, no chữ
 
Có mặt tại Trường Tiểu học xã Sơn Ba (Sơn Hà), tận mắt chứng kiến các thầy, cô giáo nuôi dạy các em, tôi mới thấm thía câu nói “cô giáo như mẹ hiền”. Hết tiết dạy trên lớp, các thầy cô giáo lại tất bật vào bếp nấu nướng để các em có những bữa ăn ngon. Sau khi các em ăn, dọn dẹp xong xuôi thì thầy cô mới lo cho mình.
 
Tan học, các em tươi tắn chạy ào xuống bếp, ngồi ngay ngắn, trên tay mỗi em là tô cơm có thịt, có rau, có canh. Không ai bảo ai, các em ngồi ăn trong không khí trật tự, em lớn ân cần gắp thức ăn cho em nhỏ.
 
Em Đinh Thị Thiểu, học sinh lớp 5 bẽn lẽn: “Ở nhà ăn cơm với mắm, ăn cơm ở trường ngon hơn ở nhà, có thịt, cá, rau, có trứng. Hôm nào em cũng ăn hết 3 bát”.
 
Trường Tiểu học Sơn Ba nằm ở địa đầu của huyện Sơn Hà, nơi mà chỉ còn vài bước chân nữa là đến huyện Minh Long và Ba Tơ, khi chưa có nhà bán trú, lũ trẻ trèo đèo, lội suối, đánh vật vượt sông tìm chữ.
 
Nhiều em phải thức dậy từ lúc 3, 4 giờ sáng để đến trường. Thầy cô vẫn luôn ám ảnh bữa ăn với mắm, muối của các em ở nhà. Mùa đông, tấm áo mỏng không đủ để các em chống chọi lại cái lạnh của miền sơn cước.

 

Bữa cơm trưa do chính các thầy cô giáo tự tay nấu cho các em học sinh Trường Tiểu học Sơn Ba.
Bữa cơm trưa do chính các thầy cô giáo tự tay nấu cho các em học sinh Trường Tiểu học Sơn Ba.

Thương học trò đường xa, nước dữ, bụng đói, thấu hiểu nỗi gian khó ấy, với tình thương của người thầy, các thầy cô luôn trăn trở phải làm gì đó giúp các em. Từ đó, 6 năm về trước, mô hình học nội trú- “ăn, ngủ, học tại trường” đã ra đời. Những ngày đầu, thầy cô giáo nhường cho các em chính căn phòng công vụ, góp tiền mua gạo, mắm muối, thức ăn và tận tình nấu cho các em ăn. 

Giờ thì đã có gạo và tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhà ở bán trú cũng được các nhà hảo tâm chung tay góp sức xây dựng, thầy cô giáo không phải lo lắng đến nữa, nhưng để tổ chức nơi ăn, nghỉ cho 27 em, các thầy cô rất vất vả khi vừa phải đảm bảo chương trình dạy vừa lo ăn, ngủ cho các em. 
 
Cô Trịnh Thị Quyên, đầu bếp chính bộc bạch: “Làm được điều này thấy nhẹ lòng. Học sinh đã được ăn no, đảm bảo dinh dưỡng, việc học cũng tiến bộ hơn trước. Từ những đứa trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, đen nhẻm, giờ các em đã lớn phổng phao, da dẻ hồng hào”.
 
Những năm trước, tình trạng học sinh bỏ học thường xuyên diễn ra. Những ngày mưa bão, lớp học vắng bóng học trò. “Từ ngày có nội trú, học sinh chuyên cần hơn, sức khỏe tốt và không còn tình trạng bỏ học giữa chừng, vốn tiếng Việt của các em cũng được cải thiện”- thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
 
Giấc ngủ say nồng

 
Trong thời gian ở nội trú, thầy cô giúp đỡ các em học tập, sáng lên lớp, chiều tổ chức ôn bài, bồi dưỡng học sinh yếu, rồi cùng nhau chuẩn bị  bữa cơm chiều cho các em. Họ quần quật suốt ngày với đàn em thân yêu.

 

Ngoài giờ học, các em tự tay chăm sóc vườn rau xanh của Trường.
Ngoài giờ học, các em cùng nhau chăm sóc vườn rau xanh của trường.


Buổi tối, các em tập trung cùng nhau sinh hoạt, ôn bài, củng cố kiến thức. Không chỉ đồng hành với các em trên con đường vươn tới tri thức, các thầy cô giáo còn hướng dẫn các em trồng rau để cải thiện bữa ăn, sinh hoạt, thể dục thể thao.

Tận tình chỉ bảo cách ăn ở hợp vệ sinh, chào hỏi lễ phép, tự chăm sóc bản thân, các thầy cô giáo còn phải thay bố mẹ rửa mặt, chải đầu, cột tóc cho những em mới vào lớp 1. Quần áo, sách vở cũng mới và sạch đẹp hơn nhiều.

Khi các em say nồng trong giấc ngủ, các thầy cô lại đi từng phòng đắp chăn, xem có học trò nào mệt không? Các em tròn giấc, thầy cô giáo mới về phòng, soạn trang giáo án mới chuẩn bị cho tiết dạy ngày mai.

Hỏi em Đinh Văn Kim, sống ở đây có vui không? Em hồn nhiên trả lời: “Được ăn no, ngủ ngon, chơi vui em thích hơn ở nhà!”.
 
Cũng là thầy cô đấy, nhưng tình nghĩa thầy trò vùng cao thấm đậm vô vàng. Nhìn đàn em thân yêu hàng ngày đến trường đông đủ, có cơm ăn, áo mặc, với họ vui mừng, phấn khởi nào bằng. Dẫu rằng, con đường đi tìm con chữ của học sinh vùng cao còn nhiều gian nan, nhưng với niềm  đam mê nghề nghiệp, yêu trẻ vô bờ là động lực để họ tiếp tục bám trường, bám lớp để gieo ước mơ cho học sinh.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 


.