Lo lắng khi dạy tích hợp liên môn

03:11, 05/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với những đổi mới trong thi cử những năm gần đây, đòi hỏi cách dạy và học trong nhà trường cũng phải thay đổi theo. Vì vậy, các trường đã bước đầu làm quen với việc dạy và học theo phương pháp tích hợp, nhằm giúp học sinh (HS) nắm rõ những kiến thức liên môn, vận dụng trong làm bài. Tuy nhiên, nhiều giáo viên lo lắng việc làm thế nào để sử dụng kiến thức của hai hay nhiều môn để dạy, trong khi ở trường sư phạm chỉ được đào tạo đơn môn.

TIN LIÊN QUAN

Giáo viên còn mơ hồ về tích hợp

Ông Lương Thành Hưng- Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Quảng Ngãi), cho hay, dạy tích hợp được xác định như chìa khóa để thay đổi căn bản và toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục HS của nhà trường.

Dạy tích hợp liên môn giúp các em HS phát triển năng lực vận dụng kiến thức.
Dạy tích hợp liên môn giúp các em HS phát triển năng lực vận dụng kiến thức.

Chính vì vậy, nhà trường đã thực hiện việc dạy tích hợp từ nhiều năm nay, nhưng thực sự vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả. Ông Hưng cho rằng, về mặt lý thuyết thì dạy tích hợp là rất hay, giúp các em HS hình thành và phát triển những năng lực cần thiết, trong đó có năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết có hiệu quả các tình huống thực tiễn.  Tuy nhiên, về nhận thức và thực hiện của giáo viên có phần hạn chế. “Không chỉ giáo viên lớn tuổi mà cả những giáo viên trẻ vẫn còn mơ hồ về vấn đề này. Thực tế, tại môi trường sư phạm, giáo viên cũng chỉ được đào tạo đơn môn chứ không tích hợp liên môn nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện”, ông Hưng, nói.

Nhiều giáo viên cũng cho rằng, do chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành sư phạm chỉ đào tạo kiến thức đơn môn. Đó là trở ngại cho việc giảng dạy sau này của đội ngũ giáo viên khi dạy tích hợp. Cô giáo Nguyễn Thị Việt Kiều- giáo viên bộ môn Hóa, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho biết: Bản thân chị đã tham gia thi soạn giáo án tích hợp do Sở GD&ĐT tổ chức. Khi thiết kế những bài giảng tích hợp liên môn tốn rất nhiều thời gian. Giáo viên phải tổng hợp, tìm hiểu kiến thức của rất nhiều môn học khác. Một bài giảng tích hợp hàm chứa rất nhiều kiến thức liên quan đến nhiều môn học khác nhau, nhưng thời lượng của một tiết học cũng chỉ gói gọn trong 45 phút là chưa hợp lý. Hơn nữa, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có sách giáo khoa nên giáo viên phải tự nghiên cứu và làm quen với phương pháp dạy mới này dẫn đến việc mỗi nơi làm một kiểu.
 

Xây dựng bài dạy mẫu

Trong khi chờ Bộ GD&ĐT xây dựng giáo án dạy tích hợp liên môn cụ thể, Sở GD&ĐT cần nhân rộng  những bài giảng đạt giải của giáo viên trong các cuộc thi soạn giáo án tích hợp liên môn trong những năm qua thành bài dạy mẫu. Đồng thời, có sự phân công cho từng đơn vị trường học, xây dựng các bài học tích hợp liên môn mẫu để tránh chồng chéo. Như vậy, các trường sẽ dạy theo bài chung để thống nhất về nội dung; đồng thời phát huy hiệu quả trí tuệ của giáo viên trong các cuộc thi.

Hiệu quả chưa cao

Mặc dù việc dạy tích hợp đã được các trường trung học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện, nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả. Nguyên nhân chính của tình trạng này được ông Huỳnh Văn Long- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn, lý giải: Đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có sách giáo khoa cụ thể mang tính tích hợp. Hầu hết giáo viên chưa qua đào tạo các phương pháp dạy học tích hợp mà chỉ được tập huấn vài buổi nên tính hiệu quả chưa cao, do làm việc theo nhận thức cá nhân. Nhiều giáo viên do hạn chế về kiến thức, ngại tìm hiểu nên không phát hiện ra được những bài, nội dung cần tích hợp. Bên cạnh đó cũng có nhiều giáo viên lạm dụng việc tích hợp dẫn đến không đi vào trọng tâm của bài giảng…

Cô giáo Trịnh Thị Thu Sương- nguyên tổ trưởng bộ môn Sử- Địa- Giáo dục công dân, Trường THPT Lê Trung Đình- một trong những giáo viên có giáo án tích hợp liên môn đạt giải cấp Bộ, cho biết: “Trên thực tế, tích hợp liên môn không khó để thực hiện. Chỉ những bài có nội dung liên quan thì mới tích hợp liên môn. Tuy nhiên nó đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều, đọc trước chương trình và hiểu về cuộc sống. Chỉ những giáo viên có tâm và có tầm thì mới thực hiện tốt”.

Cùng quan điểm với cô giáo Trịnh Thị Thu Sương, thầy Bùi Quang Bảo- Giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Nghĩa Trung cho rằng, để có một giáo án tích hợp đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức rộng và vững; khả năng liên hệ và xâu chuỗi kiến thức cũng như kỹ năng đề ra biện pháp để giải quyết vấn đề. Quan trọng hơn hết đó là giáo viên phải tâm huyết với nghề.

 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


.