Đào tạo nghề cho người khuyết tật: Còn nhiều khó khăn

12:11, 07/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật luôn được tỉnh ta chú trọng thực hiện. Năm 2015, tỉnh ta cũng đã bắt đầu thực hiện công tác dạy nghề cho người khuyết tật theo Quyết định 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vì là đối tượng đặc thù nên việc dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều nỗ lực

Toàn tỉnh hiện có gần 51 ngàn người khuyết tật (NKT). Trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chương trình, biện pháp cụ thể để giúp đỡ NKT hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Hiện tại có khoảng gần 25 ngàn đối tượng khuyết tật đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của Chính phủ và 25 ngàn đối tượng hưởng trợ cấp người có công. Hằng năm, NKT tỉnh đều được cấp bảo hiểm y tế miễn phí.

Người khuyết tật được đào tạo nghề tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn.
Người khuyết tật được đào tạo nghề tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn.


Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn liền với việc làm cũng được quan tâm. Trong những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho NKT trong tỉnh gắn với thị trường và điều kiện sức khỏe của người khuyết tật. Vì vậy, gắn được với một doanh nghiệp, một cơ sở hoặc một hộ sản xuất cụ thể thì lối đi của người khuyết tật rộng mở hơn. Đơn cử như Công ty TNHH may Vinatex Tư Nghĩa và Tịnh Phong đã rộng cửa đón nhận những học viên là NKT đã qua đào tạo nghề may công nghiệp vào làm việc. Cô Bùi Thị Kim Khánh – giáo viên phụ trách tổ nghề của Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh cho biết, từ năm 2012 đến nay các công ty may đã nhận 20 NKT đã được dạy nghề tại trường vào làm việc, tạo thu nhập ổn định cho các em.

Từ năm 2011-2012, Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh dạy cho 149 em về các nghề may công nghiệp, nghệ thuật cắm hoa, cơ bản các em có việc làm tại trường, gia đình và đi làm việc tại các doanh nghiệp. Từ năm 2011-2015 đến nay, có 570 người khuyết tật nhìn có việc làm. Trong năm 2015, tỉnh ta đã phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề cho NKT theo Quyết định 1019/QĐ-TTg, các lớp nghề may công nghiệp, photoshop, trồng rau an toàn... đã được triển khai với khoảng 160 học viên, hứa hẹn mang lại cho NKT thu nhập ổn định giúp họ tự tin hơn để hòa nhập với cộng đồng.

Kết quả chưa như mong muốn

Em Bùi Thế Dũng (17 tuổi) quê ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) bị khó khăn về học đã đăng ký học nghề may công nghiệp tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn tại thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), cho biết: “Em muốn học nghề để có thể đi làm, đỡ một phần vất vả cho ba mẹ. Tuy nhiên em tiếp thu rất chậm, lại học trước quên sau nên không biết khi nào mới ra nghề”. Bà Trần Thị Thu Thủy- Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ, dạy cho các em khuyết tật trước hết cần phải kiên nhẫn, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc từ từ. Rất nhiều em dễ tự ti, mặc cảm với chính mình nên chỉ cần một lời nói hay cử chỉ bất thường là các em tự ái ngay.

Hiện tại, từ chương trình đào tạo nghề chung, các giáo viên dạy nghề cho NKT phải tự xây dựng riêng cho mình giáo án giảng dạy. Bên cạnh đó, quy định về thời gian đào tạo nghề và mỗi học viên chỉ được tham gia 1 lớp nghề đã gây khó trong việc đào tạo nghề cho NKT. “Nếu người bình thường chỉ học trong 3 tháng là thành thạo thì với người khuyết tật, khóa học phải kéo dài gấp đôi, gấp ba” – bà Thủy bày tỏ. Mặc khác, các ngành nghề đào tạo có trong danh mục vẫn còn ít, chỉ phù hợp với số ít NKT khiếm thính hay khó khăn về học, chưa đáp ứng được nhu cầu của NKT khác.

Với nhiều nguyên nhân khách quan từ cơ chế chính sách, từ sự quan tâm hỗ trợ chưa đúng mức của cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp nên kết quả đạt được trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NKT chưa đạt như mong muốn. Mặt khác tâm lý tự ti, e ngại từ phía chủ quan của người khuyết tật cũng tạo ra những rào cản nhất định trên hành trình hòa nhập và vươn lên của họ.
     

Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


.