Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục

10:10, 23/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong nhiệm kỳ qua tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cũng như nâng cao trình độ dân trí, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TIN LIÊN QUAN


Gỡ "nút thắt" từ bậc mầm non
 

“Tỉnh ta đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, vì thế việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là vấn đề cấp bách để giáo dục đào tạo thật sự trở thành động lực của sự phát triển”, PGS.TS Phạm Đăng Phước-Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng.

Toàn tỉnh hiện có 208 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 192 trường công lập, 16 trường tư thục, với tổng số trên 1.800 nhóm/lớp. Đây là bậc học đầu đời có tính chất quyết định đến việc hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách trẻ. Vì vậy, tỉnh ta đã đặc biệt chú trọng đầu tư cho bậc học này, nhằm hoàn thành lộ trình Đề án phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là một trong những khó khăn lớn đặt ra đối với tỉnh ta. Bởi lẽ, đây là bậc học tồn tại khá nhiều bất cập, gặp khó khăn nhiều nhất so với các bậc học khác, nhất là cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cũng như quyết tâm của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, công tác phổ cập giáo dục đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 179/184 xã, phường, thị trấn hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, đạt 97,28%. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 9.2015, Sở GD&ĐT sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận tỉnh Quảng Ngãi đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi trong năm 2015.

Từng bước đổi mới căn bản, toàn diện

Cùng với việc đầu tư cho bậc học mầm non, bậc tiểu học, THCS, THPT và hệ giáo dục thường xuyên cũng được quan tâm đầu tư về nhiều mặt, đáp ứng chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới trường lớp được củng cố, hoàn thiện và phát triển ở các cấp học cũng như đa dạng về phương thức giáo dục.

Ngành giáo dục và đào tạo đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 - NQ/TW ngày 4.11.2013 Hội nghị Trương ương 8 khóa XI.       Ảnh: T.L
Ngành giáo dục và đào tạo đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 - NQ/TW ngày 4.11.2013 Hội nghị Trương ương 8 khóa XI. Ảnh: T.L


Đội ngũ cán bộ, giáo viên tăng cường học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, gần 100% cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học có trình độ đạt và trên chuẩn. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có trên 1.200 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Đặc biệt, từ năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT quyết liệt thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 Hội nghị Trương ương 8 khóa XI. Tỉnh ta đã xác định đổi mới căn bản ngành giáo dục là đổi mới từ những vấn đề cốt lõi, đổi mới từ gốc rễ, có tính chất bước ngoặt với thái độ kiên quyết, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Vì thế, nhiều giải pháp thiết thực được triển khai thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Ông Đoàn Dụng-Giám đốc Sở GD&DT, nhấn mạnh: “Ngành sẽ quyết tâm thực hiện đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục đào tạo theo hướng phát triển năng lực cá nhân của người học; kiên quyết chống bệnh thành tích trong giáo dục".
 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đổi mới

Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình hành động số 51 của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 29. Kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; chuẩn bị thật tốt các điều kiện phục vụ đổi mới giáo dục, trong đó chú trọng phát triển giáo dục miền núi. Ngành sẽ tập trung thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là những lớp cuối cấp.

Đa dạng hóa phương thức đào tạo

Quảng Ngãi cũng đã chú trọng đến việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, phù hợp với nhu cầu phát triển. Hệ thống các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp đã góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. PGS.TS Phạm Đăng Phước- Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết: Trong những năm qua, nhà trường đã tập trung đào tạo theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học; đồng thời gắn kết với các doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu xã hội; tăng cường các hoạt động thực hành, thực tập, giúp sinh viên có điều kiện vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế. Nhờ vậy, hằng năm sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có công việc ổn định chiếm tỷ lệ tương đối cao.

Các cơ sở đào tạo nghề cũng đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời tăng cường công tác liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm. Ông Võ Đình Tá - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi cho hay: Hằng năm nhà trường tuyển sinh khoảng 700 chỉ tiêu trình độ trung cấp nghề và khoảng 400 chỉ tiêu trình độ sơ cấp nghề. Trên 80% học viên sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định, góp phần vào việc cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Trên cơ sở kết quả đạt được, cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 đạt 450 sinh viên/vạn dân; có 4 trường, chi nhánh, phân hiệu của các trường ĐH; nâng cao chất lượng đào tạo 6 trường CĐ chuyên nghiệp, CĐ nghề hiện có, trong đó có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực; có từ 80-85% số lao động có việc làm sau đào tạo nghề.

 

TRỊNH PHƯƠNG



 


.