Tiếng trống khai trường: Như một lời thúc giục

10:09, 04/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hồi trống khai trường như lời thúc giục, thể hiện quyết tâm của thầy và trò ở các trường trong năm học mới. Đó cũng là hồi trống của niềm tin, hy vọng của ông bà, cha mẹ và toàn xã hội về nơi con em mình học tập sẽ dạy chữ-dạy người một cách tốt nhất.

TIN LIÊN QUAN

Ngày khởi đầu

Dù đi đâu, về đâu, đời người một khi đã trải qua tuổi học trò vẫn không sao quên được ngày khởi đầu của một năm học mới. Tôi và nhiều người đều thế, ký ức ngày khai trường vẫn trong không khí vui tươi, rộn ràng. Trường mới, lớp mới, cặp mới, sách mới, quần áo mới, ngay cả thầy cô giáo và bạn bè vốn thân quen từ trước nhưng vẫn trong khí thế mới… tất cả đều hòa quyện trong tâm trạng háo hức của mỗi học trò. Bao giờ cũng thế, ngày khai trường là ngày hội thiêng liêng của đời học sinh, là ngày khởi đầu với biết bao kỳ vọng.

Học sinh Trường THCS Bình Mỹ (Bình Sơn) chào đón năm học mới 2015-2016.
Học sinh Trường THCS Bình Mỹ (Bình Sơn) chào đón năm học mới 2015-2016.


Có dịp ngồi trò chuyện cùng đồng chí Phạm Sy-Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, tôi thêm hiểu biết và cảm nhận sâu sắc hơn về sự kỳ vọng, trăn trở của người đã từng gắn bó, cống hiến nhiều cho sự nghiệp giáo dục ở Quảng Ngãi. Theo đồng chí Phạm Sy, ngày khai giảng là đánh dấu của sự lớn lên về tuổi đời cũng như sẽ được nâng cao về kiến thức của mỗi học sinh. Cũng từ đây, học sinh sẽ được tiếp thu lượng kiến thức mới và cũng là đi vào một thử thách mới trong rèn luyện, phấn đấu học tập để trưởng thành lên một bước. Đặc biệt, lời phát biểu của thầy giáo hiệu trưởng như lời cam kết đối với Đảng, chính quyền và Nhân dân, một sự cam kết gắn liền với trách nhiệm, quyết tâm của những thầy giáo, cô giáo trong năm học mới.

Đối với mỗi phụ huynh, ngày con trẻ đến trường dự lễ khai giảng cũng là ngày trong lòng cảm thấy xốn xang, mong cho con học tập tốt. Tôi vẫn nhớ hoài câu chuyện của một cô bạn nhà nghèo, lúc còn học cấp II ở Trường THCS Đức Lân (Mộ Đức), ngày khai giảng năm nào cũng vậy, mẹ cho một bữa ăn sáng thật ngon thay vì ăn cơm với nước mắm như mọi khi. “Nhớ học giỏi nghe con. Ngày khai giảng năm nào mẹ cũng chỉ câu nói ấy. Giờ khi đã làm mẹ, đưa con đến trường dự lễ khai giảng, nhớ lời ngày xưa mẹ dặn cứ thấy lòng nghẹn ngào”, cô bạn trải lòng. Thế đấy, nói sao cho hết tâm tình của những người làm cha, làm mẹ, chỉ biết rằng ở họ dẫu cuộc sống có muôn vàn vất vả vẫn đặt kỳ vọng ở một môi trường giáo dục tốt nhất cho con trẻ, mong cho con học tập nên người. Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Sy nhận định: “Khí thế ngày khai giảng là sự chuẩn bị của cả tấm lòng, ý thức, trách nhiệm, hứa hẹn và sự phấn đấu cũng bắt đầu từ đây. Phải chuẩn bị cho ngày khai giảng thật tốt để khởi đầu cho một năm học mới tốt đẹp, gặt hái nhiều thành công”.  

Trách nhiệm trên vai người thầy

Đồng chí Phạm Sy từng là giáo viên của Trường cấp II Bình Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng chí cho biết, trường tồn tại trong 5 năm, thế nhưng đâu phải năm học nào học sinh cũng được dự lễ khai giảng đàng hoàng bởi đạn bom ác liệt. Nhưng vốn quý là tấm lòng của người thầy, là lập trường, ý chí cách mạng lớn lao. “Thầy giáo phải vất vả tìm kiếm tài liệu để giảng dạy. Khi lên lớp, thầy giáo dạy ngắn gọn nhưng chất lượng, học sinh tiếp thu nhanh, gần như đặt ra mục tiêu hiểu bài ngay tại lớp. Tình thầy trò như anh em. Em nào khó khăn mà học gián đoạn, thầy tìm cách để phụ đạo, hoặc vắng vài hôm là đến thăm nhà chia sẻ, động viên…”, đồng chí Phạm Sy nhớ lại.

Nhớ về trường xưa là vậy, song đồng chí Phạm Sy bảo rằng, không thể lấy xưa so sánh với nay bởi khác nhau về hoàn cảnh, điều kiện. “Nhưng phải nói rằng, ngày nay đa số giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, dạy hết mình để cung cấp kiến thức cho học sinh, nhưng việc gắn bó với học sinh có phần ít hơn. Có những thầy cô giáo nhiệt tình, phấn đấu hết mình vì học sinh, nhưng cũng có những điều khiến phụ huynh phiền hà”, đồng chí Phạm Sy nhìn nhận.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục là cả một quá trình phấn đấu chứ không phải ngày một ngày hai, là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội chứ không riêng nhà trường. Thế nhưng trách nhiệm đối với người thầy là rất lớn và khí thế của ngày khởi đầu năm học mới là rất quan trọng. Theo đồng chí Phạm Sy: “Đổi mới thì mới không bị tụt hậu, đáp ứng được nhu cầu phát triển. Có điều đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phải nắm chắc vấn đề và phương pháp thì mới làm tròn trách nhiệm”.

Ông Võ Văn Mạnh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) thì cho rằng, niềm vui và sự kỳ vọng của học sinh, phụ huynh trong ngày khai giảng đó cũng chính là đặt trách nhiệm lên vai người thầy. Năm học mới 2015-2016 là năm đầu tiên Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm đưa vào giảng dạy chương trình tiếng Việt giáo dục công nghệ, cho học sinh lớp 1 làm quen với tiếng Anh… “Ngay trong ngày khai giảng, trường muốn tạo cho các em ấn tượng tốt đẹp, nhất là đối với học sinh lớp 1, để các em cảm thấy vinh dự khi là học sinh của trường. Lời phát biểu của thầy hiệu trưởng và hồi trống khai trường sẽ là lời thúc giục giáo viên và học sinh dạy tốt, học tốt, thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới”, ông Mạnh quả quyết.  

Ông Mạnh cho biết thêm, ngày khai trường học sinh lớp 1 sẽ được cô giáo tặng cho bóng bay và vở với ước muốn các em chăm học, học mà chơi, chơi mà học. Các cô giáo cũng sẽ được tặng hoa những mong các cô như người mẹ hiền dạy chữ-dạy người cho học sinh thân yêu. Ngày khai trường sẽ mãi là ngày hội khắc ghi kỷ niệm đẹp và mở ra kỳ vọng mới trong cuộc đời học sinh cũng như trong sự nghiệp “trồng người”.

Bài, ảnh: Phương Lý

 


.