Lớp học đặc biệt

10:09, 02/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lớp học chỉ có sáu em học sinh. Vậy mà đứa thì không may bị bệnh Down, đứa mặt mũi sáng sủa nhưng lại chậm phát triển trí tuệ... Bà vừa lo dạy học, vừa đảm nhận vai trò “người mẹ” dạy dỗ, uốn nắn các em từng kỹ năng sống.

TIN LIÊN QUAN

Lớp học đặc biệt

Không có tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp, cũng chẳng thu tiền học phí, lớp học đặc biệt này là những trẻ em khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ ở địa phương. Là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Hành Minh (Nghĩa Hành), vốn đã bận rộn với hoạt động hội, vậy mà bà Trương Thị Thu Cúc  vẫn vui vẻ gánh vác thêm lớp học này.

Bà Cúc hướng dẫn các em học bài.
Bà Cúc hướng dẫn các em học bài.


Bà Cúc kể, sau khi tham gia điều tra phổ cập giáo dục ở địa phương, bà nhận ra một số em bị thiểu năng trí tuệ không có cơ hội được giáo dục văn hóa. Chưa kể, bên cạnh đó còn nhiều em dù khuôn mặt sáng sủa nhưng “học trước quên sau”, mặc dù theo học chương trình phổ thông lớp 4, 5 nhưng bị hổng kiến thức nghiêm trọng. Từ nỗi trăn trở ấy và được sự thống nhất của UBND xã Hành Minh, bà Cúc cùng với Hội Cựu chiến binh xã đã đứng ra mở lớp học đặc biệt này tại hội trường UBND xã Hành Minh.

Nhớ lại những ngày đầu mở lớp, bà Cúc kể về trường hợp đặc biệt của một học sinh. Ba mẹ đi làm ăn xa, Ngô Hữu Phát (sinh năm 2000), không may mắc bệnh Down ở nhà với ông bà nội. Chưa kịp vui mừng vì thuyết phục, dỗ dành mãi Phát mới chịu đến lớp học, bà Cúc lại lo toát mồ hồi khi đứa trẻ “có lớn mà không có khôn” này không chịu ngồi yên một chỗ và còn đánh bạn trong lớp.

Tình yêu nghề, sự yêu thương, thông cảm và chia sẻ với những hoàn cảnh không may đã giúp bà Cúc thêm kiên nhẫn để cầm tay chỉ bảo, truyền dạy những kỹ năng sống cơ bản, với mong muốn Phát tự phục vụ được bản thân. Thông qua những “bài tập” như trước khi nói chuyện với bạn thì phải biết xưng hô, ngay cả đi vệ sinh bà Cúc tận tình chỉ dạy Phát biết nơi quy định. Ngay cả đến lớp, bà giáo Cúc cũng đến nhà đưa đón Phát đi học. Từ những nét bút nghệch ngoạc không thành hình ban đầu, giờ đây, Phát đã nhận biết và viết những con số, chữ cái đơn giản như số 1, O, Ô, Ơ và còn biết giới thiệu về mình...

Và tấm lòng của bà giáo già

Vừa kiểm tra, ôn lại kiến thức cơ bản nhất cho các em từ những chữ cái, con số, nhân chia cộng trừ, bà Cúc lại vừa đảm nhận vai trò là người mẹ chăm sóc, dạy dỗ, uốn nắn các em, cùng vui chơi, trò chuyện để gần gũi, thấu hiểu các em hơn. Những buổi học được linh hoạt chia ra làm các phần học chữ và số, học thể dục, múa hát để các em thêm hứng thú.

Bốn tháng học trôi qua, có những hôm sau giờ dạy trở về bà Cúc mệt đến nỗi ăn cơm không được. Bởi trong một lớp học mà mỗi em một trình độ, hoàn cảnh khác nhau thì việc dạy dỗ không hề đơn giản chút nào. Tuổi đã cao, cộng với cái chân phải của bà giáo vẫn thường đau nhức, đi lại khó khăn do di chứng của lần bị tai nạn, vậy mà cứ nghĩ đến những ánh mắt ngây thơ, từng tiến bộ nhỏ của các em, mỗi sáng thứ 2, 4, 6 bà Cúc lại vội đến lớp để đón các em. Có những em hoàn cảnh khó khăn, bà Cúc cùng với hội viên Hội Cựu giáo chức đóng góp kinh phí để mua đồ dùng học tập.

Bà Cúc chia sẻ, sau những năm tháng cống hiến cho giáo dục địa phương, giờ con cái đã trưởng thành công việc ổn định, bà vẫn luôn muốn đóng góp công sức cho quê hương. Cho nên, bà cố gắng duy trì lớp học đặc biệt này để các em vừa được học kiến thức, vừa được học kỹ năng sống.

Ông Đoàn Tấn Nguyên - Chủ tịch UBND xã Hành Minh cho biết, nhiều phụ huynh đồng tình và đánh giá cao ý nghĩa của lớp học này. Không chỉ giúp quản lý các em trong những ngày hè, bổ sung kiến thức, lớp học còn giúp những em khiếm khuyết có thể tự chăm sóc bản thân.

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.