50 năm - một ngôi trường

10:09, 14/09/2015
.
*Phạm Sy -  Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Giáo viên của trường


(Báo Quảng Ngãi)- Những năm 1963 - 1964, cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trên khắp các chiến trường miền Nam, hàng loạt các xã vùng nông thôn trong tỉnh được giải phóng. Vùng Đông Bình Sơn - Sơn Tịnh được giải phóng, tạo thế và lực cho cách mạng tại vùng Ba Làng An và các vùng lân cận. Chính quyền cách mạng được thành lập, nhân dân thoát khỏi cảnh đọa đày dưới chế độ Mỹ – nguỵ, tích cực tăng gia sản xuất, bám trụ quê hương, đánh giặc giữ làng, bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được.

Trên chiến trường Quảng Ngãi, chiến thắng Ba Gia (31.5.1965), chiến thắng Vạn Tường (18.8.1965) đã tạo cho Cách mạng miền Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng một cục diện mới. Vùng giải phóng ở miền Nam vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương tại chỗ cho công cuộc kháng chiến lâu dài.

Chính vì vậy, ngay trong những năm tháng gian nan ấy, chính quyền Cách mạng đã quan tâm  xây dựng và phát triển văn hoá - giáo dục vùng giải phóng, coi việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, phục vụ cho kháng chiến là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Cùng với sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, tại vùng căn cứ cách mạng Khu 5, Trường Trung cấp Sư phạm Trung Trung Bộ được thành lập, nhằm đào tạo một thế hệ giáo viên cách mạng. Vùng đông Bình Sơn lúc bấy giờ là một trong những vùng giải phóng rộng lớn liên hoàn của tỉnh, nhu cầu học tập của con em là rất bức thiết. Vì vậy, nhân dân đã tự nguyện đóng góp công sức, vật lực để sửa sang, dựng mới các lớp học, ngành giáo dục đã cấp tốc đào tạo, điều động, phân công  để giáo viên bám trường, bám lớp, cùng học sinh tổ chức dạy và học.

 Thầy trò Trường cấp II Bình Sơn chụp ảnh trong dịp gặp mặt kỷ niệm 40 năm thành lập trường (1965-2005).
Thầy trò Trường cấp II Bình Sơn chụp ảnh trong dịp gặp mặt kỷ niệm 40 năm thành lập trường (1965-2005).

Sau một thời gian chuẩn bị hết sức khẩn trương, được sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền cách mạng và Phòng Giáo dục huyện Bình Sơn, tháng 10.1965 Trường cấp II Bình Sơn chính thức được thành lập tại xã Bình Phú. Năm học đầu tiên được khai giảng có 2 lớp 5 và 1 lớp 6 (theo hệ phổ thông 10 năm) với gần 150 học sinh là con em các xã vùng giải phóng từ Bình Châu đến Bình Đông. Các lớp học chủ yếu bám trụ trên địa bàn xã Bình Phú. Thầy giáo Từ Tân Vũ ở miền Bắc về là Trưởng Phòng Giáo dục huyện, làm Hiệu trưởng danh dự, các thầy giáo Nguyễn Thanh Hoàng, Vũ Đức Hải, Bùi Tiên trực tiếp giảng dạy. Một tháng sau, trường được bổ sung thầy giáo Phạm Sy, giữa năm học có các thầy Huỳnh Tấn Khanh, Bùi Văn Sở, đầu năm học 1967 có thầy giáo Lê Văn Súy. Các thầy đều được đào tạo tại Trường Trung cấp Sư phạm Trung Trung Bộ. Thầy Lê Sơn Đông (Lê Mỹ) tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội về được cử làm Hiệu trưởng của trường.

Năm học đầu tiên (1965-1966) kết thúc trong điều kiện tương đối thuận lợi. Các lớp học được tập trung ở thôn Phú Nhiêu, xã Bình Phú, số lượng học sinh cơ bản được duy trì từ đầu đến cuối. Sang năm thứ 2 (1966-1967) hệ thống của trường được hoàn chỉnh gồm 1 lớp 7, 2 lớp 6 và 3 lớp 5 với trên 200 học sinh. Trong số 31 học sinh của lớp 7 có cả 11 học sinh thuộc các xã vùng Đông Sơn Tịnh chuyển sang.

Thời gian này địch tập trung đánh phá ác liệt với quy mô, cường độ cao hơn nên các lớp học phải phân tán đi các thôn của xã  Bình Phú và Bình Tân, đổi giờ dạy, các thầy phải đi bộ vài kilômét. Đến đâu, thầy, trò cùng nhân dân xây dựng lớp. Lớp học chủ yếu được dựng bằng tranh tre. Có lớp học được tổ chức ngay trong nhà dân hoặc làm dã chiến nhưng tất cả đều phải có hầm, hào đảm bảo để giảm thương vong cho thầy và trò. Năm học 1966-1967 là năm học để lại dấu ấn đậm nét nhất của trường.

Tháng 6.1967, hưởng ứng lời kêu gọi của  Mặt trận Dân tộc giải phóng, hàng trăm học sinh và thầy giáo đã tình nguyện lên đường gia nhập lực lượng vũ trang, đi thanh niên xung phong, tham gia các nhiệm vụ cách mạng. Đặc biệt, một trung đội mang tên Ba Tơ được thành lập, thầy giáo Huỳnh Tấn Khanh làm chỉ huy, học sinh là chiến sĩ, gia nhập vào đội hình chiến đấu của đại đội 95, Huyện đội Bình Sơn. Đơn vị đã chiến đấu ngoan cường, lập công xuất sắc.  

Bước sang các năm học thứ 3, thứ 4 (1967-1969), cuộc kháng chiến càng thêm ác liệt, trường lớp phải phân tán đến các xã Bình Tân, Bình Châu, Bình Hòa… Địch đánh phá ban ngày, các lớp học lại chuyển vào ban đêm. Thầy trò mỗi người mang theo một đèn dầu nhỏ. Thầy bưng đèn soi bảng giảng bài, trò nhướn mắt nhìn ghi. Nhiều buổi học, bài giảng của thầy bị cắt ngang nhiều lần bởi pháo địch rơi gần lớp học. Máy bay quần đảo trên đầu thường xuyên. Địch đốt phá trường lớp, thì thầy trò cùng nhân dân làm lại. Không có bàn ghế, học sinh tự làm ghế xếp mang theo.

Năm nào cũng vậy, mỗi lần huyện tổ chức vận động tòng quân, thì trường cấp II là đơn vị dẫn đầu học sinh náo nức bước qua cầu Vinh quang nhập ngũ. Ngoài nhiệm vụ học tập, thầy, trò còn là lực lượng xung kích trong phong trào xoá mù chữ, dạy bổ túc cho cán bộ, nhân dân. Năm học 1965-1966 và 1966-1967 trường đã góp phần tích cực xóa nạn mù chữ cho nhân dân Bình Phú, Bình Châu. Nhiều cán bộ ở các xã được nâng lên một, hai lớp ở bậc tiểu học. Thầy trò còn hăng hái tăng gia, sản xuất, vận chuyển lương thực, tải thương, tải đạn, đi dân công phục vụ hoả tuyến. Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, thầy, trò cùng nhân dân xuống đường, nhiều học sinh đã anh dũng hy sinh, một số bị địch bắt, tù đày.

Từ năm 1969, địch tập trung cày ủi, đánh phá vùng giải phóng rất ác liệt,  xóm làng, núi đồi bị san thành bình địa. Đầu năm 1970, địch dồn dân rào ấp An Sen, Bình Phú là điểm chốt cuối cùng của địch trong chiến dịch “lấn chiếm, đốt sạch, quét sạch” ở vùng này. Do vậy trường phải ngừng hoạt động, hầu hết thầy giáo và học sinh đều tham gia kháng chiến.

Tuy phát triển, tồn tại chỉ gần 5 năm học (từ tháng 10.1965 - đầu năm 1970), nhưng Trường cấp II Bình Sơn đã để lại một dấu ấn không phai mờ trong lòng thầy giáo, học sinh và nhân dân vùng đông Bình Sơn, đông Sơn Tịnh. Trường đã đào tạo trên 500 học sinh, trong đó có trên 200 học sinh trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, có trên 80 học sinh và 4 thầy giáo đã anh dũng hy sinh. Hai học sinh Nguyễn Bi và Võ Đức Quốc được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Là ngọn cờ đầu của ngành giáo dục Bình Sơn trong thời kỳ chống Mỹ, Trường cấp II Bình Sơn được Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Ba.

Chiến tranh đã lùi xa, 50  năm đã qua nhưng những gì mà thầy, trò Trường cấp II Bình Sơn thời kỳ chống Mỹ tạo dựng nên, đã thể hiện rõ hình ảnh về một ngôi trường- một pháo đài chống Mỹ trong đời sống mỗi chúng ta, đó là một thời không thể nào quên./.

 

.