Tựu trường nơi "học nhờ ở đậu"

09:08, 31/08/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Tiếng trống tựu trường đã điểm, giữa muôn vàn ánh mắt hân hoan chào đón năm học mới vẫn còn nhiều học sinh vẫn phải học trong các lớp học nhờ, học tạm.

TIN LIÊN QUAN


Đến lớp học mẫu giáo thôn Sơn Bàn 2, xã Trà Sơn (Trà Bồng), chúng tôi không khỏi xót xa khi lớp học là ngôi nhà tình nghĩa rộng chưa đầy 30m2 là chỗ sinh hoạt, học tập cho mấy chục con người.

Tường, nền nhà chi chít lỗ hỏng, bong tróc nham nhở, nhớp nhúa. Các em học sinh vẫn hồn nhiên, vô tư ê a theo nhịp cô giáo trong lớp “học nhờ ở đậu”. Lớp học lọt thỏm giữa khu dân cư ồn ào át cả tiếng cô trò.

Lớp mẫu giáo thôn Trung cũng chẳng khá hơn là mấy. Căn phòng mượn tạm của UBND xã được xây dựng từ những năm 80 cũ kĩ, thấp lè tè, sặc mùi ẩm mốc được ngăn thành ba làm hai lớp học cho các cháu và một phòng hiệu bộ.

Tường nứt, bong tróc, ổ điện hư hỏng, bàn ghế, cửa mối mọt, tài liệu không nơi lưu trữ chất cao như núi... Mấy chục con người chen chúc trong không gian mấy chục mét vuông, chỉ cần một trận mưa lớn là như một biển nước.

 

Nhiều học sinh vẫn phải học trong những ngôi trường tạm.
Nhiều học sinh vẫn phải học trong những ngôi trường tạm.


Cô Nguyễn Thị Mai- Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Trà Sơn buồn bã: “Học ở đây khổ lắm nhưng cô trò vẫn phải cố. Các em học trong điều kiện thiếu thốn như thế này mình cũng rất áy náy, mong ước có được ngôi trường mới đã lâu lắm rồi mà chưa thành hiện thực”.

Năm học này, Trường Mẫu giáo xã Trà Sơn có 13 lớp với 317 cháu học ở 12 điểm trường thì có 3 lớp ở 2 điểm trường với 67 cháu vẫn còn trong tình cảnh học nhờ, học tạm.

Không chỉ học nhờ, học tạm, tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra trong suốt thời gian nên việc dạy và học ở vùng cao đã khó khăn lại càng khó hơn. Vì thế mà trường không thể nhận trẻ độ tuổi lên 3 vào dạy theo Đề án Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

Từ xã Trà Sơn chạy ngược lên xã Trà Lâm, điểm trường thôn Trà Khương có 57 học sinh đang học trong lớp học tạm trên tận cùng đỉnh núi cheo leo. Đây là vùng sạt lở nên trường học được dựng bằng khung sắt, mái tôn thay vì tường gạch, xi măng kiên cố.

Điểm trường chỉ có 2 phòng học nên các lớp phải chia nhau học cả ngày, lớp 2 và lớp 4 được ghép thành một lớp. Năm nào nhà trường cũng mua bỏ tiền ra mua tôn và phụ huynh góp tre, góp công che phòng học để làm nơi cho giáo viên dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém và các tiết sinh hoạt ngoại khóa.

 

Trường Mẫu giáo xã Trà Sơn học nhờ trong trụ sở UBND xã.
Trường mẫu giáo xã Trà Sơn học nhờ trong trụ sở UBND xã.


Việc học trong điều kiện thiếu vốn cơ sở vật chất đã đành, học “chạy lũ” càng khó gấp bội lần. Cứ gần đến mùa mưa lũ hàng năm, thầy trò, phụ huynh lại dắt díu nhau xuống núi làm nhà tạm để lánh nạn vì sạt lở núi, nguy cơ vùi lấp trường học, nhà cửa, tính mạng người dân rất cao.

Thầy Đỗ Ngọc Chung- Hiệu trưởng nhà trường xót xa: “Cảnh này diễn ra nhiều năm nay rồi, địa phương đã đưa điểm trường và khu vực dân cư này vào diện di dời, vì nằm trong vùng sạt lở nhưng vẫn chưa thấy di dời”.

Năm 2015, toàn huyện Trà Bồng chỉ có 5 phòng học được xây mới theo Đề án Phổ cập giáo dục mầm non 5 năm tuổi với tổng kinh phí 4,2 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn này, không có nguồn vốn nào bố trí để xây dựng phòng học mới.

Bà Đinh Thị Thu Hương- Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng thừa nhận: Học sinh trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng học nhờ, học tạm là có thật. Những năm qua, mặc dù huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho việc dạy và học.

Không chỉ huyện Trà Bồng mà tại các 6 huyện miền núi trong tỉnh, học sinh trong tình cảnh “học nhờ ở đậu” đã diễn ra trong nhiều năm qua. Phòng học thiếu thốn khiến năm học mới còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tiếng trống tựu trường đã điểm. Học sinh vùng cao vẫn ra lớp, giữa muôn vàn ánh mắt hân hoan chào đón vẫn còn đau đó đau đáu giấc mơ những ngôi trường khang trang, sạch đẹp.

 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.