Tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Mộ Đức: Cách làm hay

09:07, 02/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người ở quê chủ động “truyền” nghề để không phí hoài quỹ thời gian nhàn rỗi. Còn người xa quê thì nhiệt tình kéo “nghề” về cho người dân quê hương bằng cách bỏ tiền túi để mở các lớp dạy nghề miễn phí. Đó là cách làm hay được người dân ở Mộ Đức thực hiện, nhằm giải quyết việc làm cho người già và phụ nữ, hạn chế tình trạng ly hương vào mỗi mùa nông nhàn.

TIN LIÊN QUAN

Người dân tự giữ lấy “cần câu”

Ở thôn 4 và thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức), nghề đan võng được bà con nơi đây ưu ái đặt tên là “nghề nông nhàn”. Bởi lẽ, đây là nghề mà người ta có thể tận dụng được mọi khoảng thời gian rảnh rỗi để làm việc, nhất là sau mỗi vụ mùa.

 

Nghề đan võng ở Đức Chánh giúp người dân tận dụng được thời gian nhàn rỗi và tăng thu nhập.
Nghề đan võng ở Đức Chánh giúp người dân tận dụng được thời gian nhàn rỗi và tăng thu nhập.


“Ở đây, cỡ 10 tuổi trở lên là đã có thể đan võng thành thục. 70-80 tuổi cũng vẫn còn đan khỏe. 10 nghìn đồng tiền công cho võng lớn, 9 nghìn tiền công cho võng nhỏ. Già thì làm 3-4 võng một ngày, trẻ thì 6-7 chiếc. Cứ thế làm quanh năm”, bà Nguyễn Thị Nguyệt, 65 tuổi, ngụ thôn 6 cho biết.

Là nghề xuất hiện từ rất lâu đời và được truyền lại theo kiểu cha truyền, con nối. Nghề đan võng ở xã Đức Chánh hiện đang tạo được việc làm cho gần 200 lao động tại địa phương. Hai công đoạn chính gồm se sợi, đan võng… được người dân tự phân chia theo từng nhóm người phụ trách rõ ràng. Công đoạn se sợi với giá 9 nghìn/ký thì được chia cho các gia đình có lao động trẻ, nhiều sức vóc. Gia đình có lao động cao tuổi thì nhận công đoạn đan, với các mức giá 7-10 nghìn/chiếc võng tùy theo kích thước. Riêng các dịp hè, công đoạn đan võng còn “tiếp nhận” thêm lực lượng lao động trẻ em muốn kiếm thêm thu nhập, phụ cha mẹ tiền mua sách vở, quần áo… cho năm học mới.

Với tính chất công việc nhẹ nhàng, không quá áp lực về thời gian, hơn nữa, người làm lại có thể tự quyết định năng suất của chính mình nên nghề đan võng dù là nghề phụ nhưng lại rất được bà con ưu ái, gìn giữ. Ba cơ sở thu mua võng chính là cơ sở Của Tuyền, Ni Phước, Phô Mai tại Đức Chánh đang là nơi “xâu đầu mối” giải quyết đầu ra cho sản phẩm mà người dân làm ra. Những chiếc võng đủ màu sắc từ Đức Chánh nhờ các đại lý này mà có mặt ở khắp các tỉnh, thành phía Nam.

Chuyện không của riêng ai

Từ hiệu quả mang lại của việc gìn giữ, phát triển được “nghề nông nhàn” ở Đức Chánh, có thể thấy được việc hướng nghiệp, đào tạo nghề đúng hướng sẽ tạo nên sinh kế bền vững cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, việc tìm được nghề vừa đảm bảo thu nhập, vừa đảm bảo đầu ra cho người dân không phải là chuyện dễ dàng. Và cũng vì mang trong lòng nỗi trăn trở đó nên ông Nguyễn Thanh Long, một người con của Mộ Đức dù đã vào Khánh Hòa sinh sống nhưng nay trở về mở lớp đào tạo nghề thêu miễn phí cho người dân.

Trao đổi cùng chị em phụ nữ theo học lớp thêu tại xã Đức Hòa, ông Long tha thiết: “Ở nông thôn, thời gian rảnh quá nhiều, nên các chị đừng phí hoài mà hãy tận dụng để làm ra tiền. Mới học sẽ khó, nhưng học dần sẽ quen. Mong mọi người đừng bỏ dở giữa chừng. Bởi chỉ cần học 7 ngày, là các chị sẽ thêu được”.

Những lời nói chân thành, thắm thiết của một người đàn ông ngoài 60 tuổi nhưng vẫn lặn lội tìm nghề, tìm chuyên gia về giảng dạy chỉ với mong muốn tạo được cơ hội việc làm cho người dân quê hương khiến ai nấy đều xúc động. Tham gia buổi tập huấn, ngoài chuyên gia người Nhật Bản cùng phiên dịch từ TP.HCM do ông Long tự bỏ tiền túi ra để mời về, còn có chị Huỳnh Thị Ánh Vương, người đã thạo nghề sau lớp tập huấn tại xã Đức Thạnh năm trước đến trực tiếp “cầm tay, chỉ việc” cho chị em. Không chỉ “kéo” nghề về quê hương, ông Long còn hỗ trợ chi phí xăng xe cho 20 người theo học lớp đào tạo nghề, để không ai vì ngại thiếu chi phí đi lại mà bỏ học.

Khi được hỏi, tại sao được nghỉ hưu nhưng ông không chịu nghỉ ngơi bên cháu con, mà lại lấy tiền mà mình dành dụm cả đời ra lo chuyện bao đồng? Ông Long chỉ cười: “Đơn giản vì tôi không muốn thấy người quê mình cứ phải ly hương bán hủ tiếu, bán đậu hũ. Tôi muốn dân quê mình phải kiếm được tiền trên chính mảnh đất quê mình”. Chỉ với lý do đơn giản ấy mà ông Long lặn lội gần 500km, tự trích tiền túi của chính mình chỉ để kéo việc làm về cho những người dân quê hương.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.