Trên hết là tình thương

02:05, 20/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là điều mà các cô giáo ở Trường mầm non 2.9 (TP.Quảng Ngãi) đã và đang hằng ngày thể hiện để mang đến điều tốt đẹp nhất cho trẻ theo lời dạy của Bác Hồ.

Học Bác làm điều hay

Cứ mỗi buổi họp hội đồng, sinh hoạt chi bộ, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường MN 2.9 lại được nghe một mẩu chuyện về Bác Hồ. Lần nào cũng vậy, cả hội trường im phăng phắc, không một tiếng nói chuyện riêng, trong tâm tư của tất cả mọi người rực sáng lên hình ảnh Bác Hồ kính yêu. “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng giống như trồng cây non. Trồng cây non được tốt sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”, lời dạy của Bác được tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường MN 2.9 khắc sâu và không ngừng nỗ lực để mang đến cho trẻ điều tốt đẹp nhất.

Học sinh Trường mầm non 2.9 thích thú trong giờ học.                      Ảnh: Lê Danh
Học sinh Trường mầm non 2.9 thích thú trong giờ học. Ảnh: Lê Danh


Trường MN 2.9 hiện có gần 70 CB, GV, NV; gần 700 trẻ ở 19 nhóm, lớp. Chi bộ nhà trường có 15 đảng viên. Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Ngọc Lý-Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường MN 2.9 cho hay: “Từ việc dạy dỗ, chăm sóc cháu, khẩu phần ăn cho cháu như thế nào để đảm bảo chất lượng, chế biến thức ăn ra sao để vừa ngon, vừa giữ được dưỡng chất… Cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường làm theo lời Bác từ những công việc thường ngày như thế và đã mang lại hiệu quả cao”.

Hiệu trưởng Đặng Thị Ngọc Lý cho biết, các cô giáo của trường luôn trăn trở làm cách nào để đảm bảo giáo dục trẻ phát triển toàn diện, dạy theo hướng tích hợp và tập trung vào phương pháp “gợi mở” để trẻ phát huy tính tích cực, tạo môi trường “học mà chơi, chơi mà học”. Toàn trường đã dấy lên phong trào “Viết sáng kiến kinh nghiệm”. Có nhiều sáng kiến hay, áp dụng đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ không chỉ ở trong trường mà được nhiều trường học hỏi, nhân rộng.  

Trường MN 2.9 đã có 29 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố, 6 sáng kiến cấp tỉnh, 2 sáng kiến cấp bộ được áp dụng. Cô giáo Trương Hà Thục Trinh (SN 1986, dạy lớp mẫu giáo lớn) là một trong những giáo viên tiêu biểu ở Trường MN 2.9 trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Cô giáo Trinh là người đầu tiên của trường thiết kế thành công giáo án điện tử E-Learning.

“Với bài giảng E-Learning, trẻ không những được học hỏi cùng cô mà còn có thể học cùng bố mẹ, anh chị hoặc có thể tự khám phá điều mới mẽ”, cô giáo Trinh cho biết. Thay vì trước đây giáo viên phải vất vả tìm kiếm hình ảnh, biểu đồ, đồ dùng thì với bài giảng điện tử E-Learning, giáo viên ứng dụng CNTT thông qua mạng Internet để chủ động khai thác hình ảnh, tư liệu… để bài giảng thêm phong phú, tạo môi trường giáo dục mang tính tương tác cao giữa giáo viên và trẻ. Giáo án điện tử E-Learning của cô giáo Trinh là một trong 10 sáng kiến được Bộ GD&ĐT chọn đưa vào kỷ yếu để các đơn vị khác học hỏi theo.
 

Nhiều năm liền Chi bộ Trường MN 2.9 đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Nhà trường luôn giữ vững danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Năm học 2010-2011 nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm học 2011-2012 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm học 2014-2015 được Sở GD&ĐT công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3.

Kinh nghiệm từ người quản lý

Suốt 34 năm cống hiến trong ngành giáo dục mầm non, hiệu trưởng Trường MN 2.9 Đặng Thị Ngọc Lý luôn giữ trong mình nhiệt huyết, lòng yêu nghề, yêu trẻ. Cô Lý trải lòng: “Đã là giáo viên mầm non quan trọng nhất là đạo đức, là tình thương đối với trẻ. Đối với nghề của mình không yêu trẻ thơ thì không làm được đâu”. Hiệu trưởng Đặng Thị Ngọc Lý đã dốc nhiều công sức cùng với tập thể CB, GV, NV xây dựng Trường MN 2.9 trở thành mái trường thân yêu của trẻ thơ như ngày hôm nay.

Cách đây 7 năm, Trường MN 2.9 thiếu phòng học, thiếu phòng chức năng, sân vườn không đảm bảo, nhà bếp chật chội… Thế nên công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ bị ảnh hưởng. Từ những trăn trở, cô giáo Lý đã viết sáng kiến kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện “Xây dựng trường, lớp xanh-sạch-đẹp-an toàn”. Và cũng từ đó, Trường MN 2.9 từng bước đổi thay với sự huy động mọi nguồn lực đóng góp để xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn và trở thành một trong những ngôi trường đi đầu về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Với sáng kiến này, cô giáo Lý được công nhận chiến sĩ thi đua cấp toàn quốc năm học 2012-2013 và năm 2014 được công nhận Nhà giáo ưu tú. Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác quản lý, Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Ngọc Lý cho rằng:  “Người quản lý nói mà không làm sẽ không ai nghe. Lúc nào cũng gần gũi, nắm bắt tâm tư của CB, GV, NV, đặc biệt phải thực hiện tốt công tác dân chủ, cái lớn, cái nhỏ đều công khai có như vậy mới tạo sự tin tưởng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo”.


PHƯƠNG LÝ

 


.