Ôn tập thi THPT quốc gia: Trách nhiệm đặt nặng lên giáo viên

08:05, 28/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với việc lần đầu tiên áp dụng kỳ thi THPT quốc gia, điểm khác biệt so với mọi năm là năm nay Bộ GD&ĐT không ban hành tài liệu ôn tập. Giáo viên các trường phải nỗ lực soạn đề cương ôn tập để phù hợp với định hướng ra đề của Bộ GD&ĐT, cũng như năng lực của học sinh.

TIN LIÊN QUAN

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra đề thi minh họa vào cuối tháng 3.2015, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo các tổ chuyên môn biên soạn bộ đề cương dựa trên cơ sở bộ đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Thầy giáo Đặng Tấn Khoa-Tổ phó tổ toán, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP.Quảng Ngãi), cho biết: “Lâu nay, đề thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ chủ yếu nằm trong chương trình phổ thông và chú trọng ở chương trình lớp 12. Mặc dù kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều đổi mới và theo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT thì có sự phân hóa rõ nét, nhưng kiến thức vẫn nằm trong chương trình đã học. Vì vậy các giáo viên trong tổ toán của trường vẫn dạy và ôn tập cho các em trong phạm vi này”.

Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi) hướng dẫn học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.
Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi) hướng dẫn học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.


Tuy nhiên, theo thầy giáo Đặng Tấn Khoa để học sinh thi đạt kết quả cao, nhất là những em thi cụm Quy Nhơn, các giáo viên trong tổ chú trọng ôn tập cho các em phần kiến thức nâng cao. Thầy giáo Nguyễn Văn Dục-Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn cho biết thêm, ngoài đề minh họa của Bộ, hằng tuần giáo viên có trách nhiệm soạn đề cương để đăng lên cổng thông tin điện tử của trường để học sinh dựa vào đó ôn tập. Sau đó giáo viên có trách nhiệm đăng tải đáp án để học sinh xem lại bài làm của mình nhằm góp phần giúp các em tự ôn tập đạt hiệu quả.  

Đối với môn Lịch sử, mặc dù số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít hơn nhiều so với các môn tự nhiên, tuy nhiên không vì thế mà công tác ôn tập trở nên lơ là.  Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, các thí sinh tỏ ra rất hứng thú với đề thi môn Lịch sử khi có phần liên hệ thực tiễn. Đây cũng là xu hướng ra đề đối với bộ môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Chính vì vậy, giáo viên bộ môn Lịch sử ở các trường cũng thường xuyên cập nhật thông tin để soạn đề cương theo từng buổi học sao cho phù hợp. Cô giáo Đoàn Thị Hồng Phượng (giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Thu Xà, huyện Tư Nghĩa), cho biết: “Hầu như chỉ những em quyết định chọn tổ hợp môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý để xét tuyển vào ĐH, CĐ mới chọn thi môn Lịch sử.

Để ôn tập kiến thức cho các em, giáo viên phải thường xuyên cập nhật thông tin và soạn đề cương ôn tập. Đối với những em thi ở cụm địa phương thì nhà trường ôn tập kiến thức cơ bản và có vận dụng nhưng không nâng cao. Riêng đối với những thí sinh chọn thi cụm Quy Nhơn để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì ngoài kiến thức cơ bản còn có những câu hỏi nâng cao, đòi hỏi các em phải nắm vững các sự kiện để liên hệ thực tiễn cuộc sống, từ đó rút ra bài học cho bản thân cũng như có trách nhiệm với xã hội…”.

Ông Nguyễn Minh Trí-Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT cùng Sở GD&ĐT không có chủ trương biên soạn bộ đề cương ôn tập cũng như sách hướng dẫn, sách tham khảo cho học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Trong quy chế Bộ GD&ĐT nêu rõ nội dung thi nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu là chương trình lớp 12. Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi tiếp cận kỳ thi THPT nhằm mục đích giúp các em HS làm quen với kỳ thi THPT quốc gia 2015. Qua kỳ thi này góp phần giúp giáo viên và bản thân học sinh biết được thực lực của học sinh ở mức nào, từ đó có hướng ôn tập phù hợp để tham dự kỳ thi THPT quốc gia đạt kết quả cao.
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.