Hậu xuất khẩu lao động: Nguồn lực cần khai thác

09:05, 05/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lao động xuất khẩu sau khi hồi hương đã tích lũy được vốn, tay nghề và tác phong làm việc mang tính công nghiệp. Song, việc tái hòa nhập của họ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi mà các chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm này vẫn còn bỏ ngỏ.

Có vốn, tay nghề nhưng... thất nghiệp

Trở thành thợ cắt tóc bất đắt dĩ đã hơn ba năm nay, thế nên ít người biết trước kia anh Lê Văn Hòa, ngụ thôn An Lạc, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) đã từng làm nghề sơn tàu điện tại  Hàn Quốc với mức lương 30 triệu đồng/tháng.

Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí động lực với tấm bằng loại ưu, năm 2008, anh Hòa đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hàn Quốc. Bao năm bôn ba ở xứ người, anh tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm. Năm 2012,  hết thời hạn hợp đồng và mong muốn được sống gần gia đình, anh trở về quê. Anh mang hồ sơ đi xin việc nhiều nơi, với biết bao hy vọng, nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, hoặc có xin được việc thì mức lương lại quá thấp, không đủ xoay xở cho cuộc sống hằng ngày.

 Người lao động giao dịch tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh.
Người lao động giao dịch tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh.


Nhắc lại chuyện cũ, anh Hòa kể: “Phía doanh nghiệp Hàn Quốc trả lương rất hậu hĩnh, nhưng họ cũng đòi hỏi tay nghề mình phải tinh thông. Tác phong công nghiệp cũng rất khắt khe. Ai không đáp ứng nhu cầu sẽ bị đào thải ngay. Khi về nước, tự tin với những kinh nghiệm đúc kết được, tôi có thể làm việc tốt ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tỉnh mình. Cứ tưởng có thời gian dài làm việc ở nước ngoài thì sẽ được ưu tiên, nhưng khi về nước xin việc, mọi thứ với mình như bơi trong biển khó. Đành ở nhà làm thợ cắt tóc mưu sinh”.

Cũng như anh Hòa, chị Trần Thị Thu Thủy, ngụ thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), nơi được biết đến là điểm sáng về XKLĐ cũng có hoàn cảnh tương tự. Chị Thủy chia sẻ: “Mình có 5 năm kinh nghiệm làm việc tại Hàn Quốc trong lĩnh vực điện tử, với mức lương từ 20-30 triệu đồng/tháng. Sau khi về nước, năm 2013 mình có đi xin việc làm trong tỉnh, nhưng vì mức lương quá thấp, chính sách thu hút cũng không có nên mình đành ở nhà”.

Cần tận dụng nguồn nhân lực quý

Trong 5 năm qua, Quảng Ngãi đã đưa khoảng 6.500 người đi XKLĐ, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình họ. Song, cũng không ít người lao động sau khi trở về quê, tìm không được việc làm phù hợp. Đồng vốn kiếm được nơi xứ người cũng dần cạn, khiến họ rơi vào tình cảnh nghèo lại hoàn nghèo.

Việc đánh giá và tiếp tục giải quyết  “hậu XKLĐ” chưa được ngành chức năng chú trọng. Theo thông tin từ Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, có khoảng 30% người XKLĐ sau khi hết hạn hợp đồng, trở về quê một thời gian thì tái hợp đồng, tiếp tục ra nước ngoài làm việc. Trong số đó, có không ít người vì không tìm được việc làm phù hợp ở quê. Nguồn “chất xám” này đang bị thất thoát, trong khi tỉnh ta còn thiếu những “bàn tay vàng” trong nhiều lĩnh vực.

Ông Võ Duy Yên - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh bộc bạch: “Làm việc tốt trong hay ngoài nước thì cũng là cống hiến. Song, phần đông người XKLĐ ai cũng mong muốn được trở về, làm việc ở quê nhà. Sau khi hồi hương, về mặt kinh tế họ có nguồn vốn, tay nghề. Tuy nhiên, các chính sách thu hút đối với họ chưa tương xứng với khả năng. Về phía chúng tôi, khi người lao động có nhu cầu tìm việc làm ở tỉnh, Trung tâm sẵn sàng tư vấn cho họ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn”.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết:  “Sở vẫn chưa có con số thống kê chính xác về số lao động sau khi hồi hương ở tỉnh ta, cũng như việc họ có tìm được việc làm phù hợp như đã từng làm khi ở nước ngoài hay không. Nhưng có thể khẳng định, lực lượng lao động sau khi trở về nước đúng thời hạn hợp đồng có tay nghề cao, cũng như trình độ ngoại ngữ được nâng lên rõ rệt. Đó thực sự là một “mỏ vàng” cần được khai thác, trong bối cảnh nguồn lao động chất lượng cao trên địa bàn tỉnh ta khan hiếm như hiện nay”.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN


 


.