Sách như một người bạn

04:04, 17/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng người Pháp, Gustavơ LeBon có câu nói bất hủ, rằng: “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn  tốt cho ta một điều hay”. Vâng, đối với những người đam mê đọc sách thì sách chính là người bạn tốt mà lúc nào họ cũng mong muốn có ở kề bên.   

TIN LIÊN QUAN

Trong thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, văn hóa đọc sách phần nào bị “lấn át”. Thế nhưng, điều không thể thay đổi được dù ở bất cứ thời đại nào, đó chính là giá trị của sách. Sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành tư tưởng, giáo dục nhân cách, đạo đức, thẩm mỹ của con người. Sách luôn là tài sản quý giá, có sức hút mạnh mẽ đối với nhiều người. Từ thợ hồ, người buôn bán nhỏ, đến học sinh-sinh viên, cán bộ trí thức, hưu trí… nhiều người tìm đến sách như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống. Đối với những người đam mê sách, thì sách được ví như một người bạn.

Nhiều học sinh sau giờ học tìm đến thư viện để đọc sách.
Nhiều học sinh sau giờ học tìm đến thư viện để đọc sách.


Mặc dù cuộc sống khá bận rộn, thế nhưng mỗi tối chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (ở tổ 4, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) vẫn dành thời gian để đọc sách cho con nghe trước lúc đi ngủ. Chị Tuyến cho biết,  cháu bé hiện đang học mẫu giáo. Lúc nào trên đầu giường của bé cũng có sách, nhiều nhất là truyện cổ tích. “Đọc sách cho con nghe cũng là cách để giáo dục con, dạy cho con biết điều hay, lẽ phải trong cuộc sống và cả những điều không nên. Bài học làm người đều có trong mỗi câu chuyện kể. Đọc sách cũng là cách để trang bị vốn từ cho con trẻ”, chị Tuyến nói.

Qua từng trang sách, qua mỗi nhân vật, tình tiết trong câu chuyện, mỗi người đều có dịp để thấm thía và rung cảm. Mỗi một cảm nhận, một góc nhìn về nhân vật có thể sẽ khác nhau giữa các độc giả nhưng qua đó nhiều người sẽ rút ra cho mình bài học ở đời. Phải nói rằng nhiều người yêu thích đọc sách đến độ gọi là “thèm” đọc. Cậu thanh niên  Nguyễn Phan Thái Thanh (25 tuổi, ở đường Quang Trung, TP.Quảng Ngãi) mặc dù đã 4 lần đọc cuốn “Tiếu ngạo giang hồ” của tác giả Kim Dung (gồm có 8 tập, mỗi tập dày gần 400 trang) thế nhưng vẫn muốn “ôm” những cuốn sách nói trên để đọc. Đi làm thuê không có nhiều tiền để mua sách nên Thanh thường đến Thư viện Tổng hợp tỉnh để mượn đọc. Thanh tâm sự: “Càng đọc, càng nghiền ngẫm, càng thấy cái hay của sách. Xem phim chỉ lướt qua, không lột tả hết được cái hay của nhân vật giống như qua từng câu chữ”.

Chị Ngô Thị Bình (Giáo viên Trường Tiểu học Tịnh An, TP.Quảng Ngãi) cũng là độc giả thường xuyên đến Thư viện tổng hợp tỉnh. Chị Bình cho biết chị có thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ. Các con của chị ảnh hưởng thói quen của mẹ nên cũng rất yêu thích đọc sách. Hiện nay, chúng ta có thể đọc truyện qua Internet, thậm chí là nghe kể chuyện đã thu âm sẵn qua các loại máy móc, thiết bị hiện đại. Thế nhưng, theo chị Bình cũng như nhiều người có cùng niềm đam mê đọc sách thì không thể hay bằng việc người đọc lật giở từng trang sách. Người đọc có thể học  nhiều điều hay  trong mọi lĩnh vực của đời sống thông qua đọc sách. “Những lúc rảnh mình lại đọc sách, chẳng kể ngày hay đêm. Có những lúc mê không rời ra được. Qua đọc sách mình biết được nhiều điều bổ ích”, chị Bình tâm sự.  

Ông Trịnh Thanh Tùng-Giám đốc Thư viện tổng hợp tỉnh cho biết, tại Thư viện tỉnh hiện có 150.000 bản sách ở các lĩnh vực chính trị-xã hội, khoa học-kỹ thuật, văn học-nghệ thuật... Sách được đưa vào thư viện như một tài sản. Hằng năm thư viện mua bổ sung từ 3.500-4.000 bản sách. Mỗi ngày bình quân có khoảng 80 người đến mượn, đọc sách tại Thư viện tổng hợp tỉnh. Có người tích góp tiền từ những ngày công lao động vất vả để mua những cuốn sách làm của để dành. Song có nhiều người tìm đến thư viện mượn sách đọc. Sách luôn là người bạn, là ngọn đèn soi sáng của tri thức mà mỗi người cần thiết phải gắn bó.    

Bài, ảnh: Khánh Hồng
 


.