Cổ tích một người thầy

10:12, 08/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở huyện vùng cao Sơn Tây, đồng bào Ca Dong vẫn hay nhắc đến một người thầy như câu chuyện cổ tích. Đó chính là thầy giáo Vương Tứ Vĩnh, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Tân. Thầy Vĩnh đã 20 năm “cắm bản” ở vùng cao Sơn Tây.

Sâu nặng nghĩa tình

Chúng tôi đến xã Sơn Tân khi mùa đông đã kéo hơi lạnh về khắp đại ngàn. Sương mù giăng giăng khắp lối. Điểm Trường Tiểu học Sơn Tân ở bốn bề núi cao, rừng thẳm. Lớp học của thầy giáo Vĩnh ngập tràn tiếng ê, a đánh vần của trẻ thơ. Với giọng nói trầm ấm, thầy giáo Vĩnh hồi ức về những năm tháng mới lên vùng đất khó. Ngày ấy, khi vừa tốt nghiệp cấp III, anh “đầu quân” vào đội ngũ giáo viên “cắm bản” đầu tiên của Sơn Tây. “Ngày đầu, tôi nhận nhiệm vụ dạy “cắm bản” tại xóm Ông Hiu, thôn 2, xã Sơn Tân (nay là xã Sơn Màu). Thời ấy không có đường, phải “vạch rừng” mà đi. Tôi phải lội bộ 3 giờ đồng hồ mới vào được điểm dạy. Lớp học chỉ là túp lều bằng tre, nứa lá. Bọn trẻ đứa nào cũng đói. Cái bụng chưa ấm, nên cái chữ không muốn theo”, thầy giáo Vĩnh kể.  

 

Thầy Vĩnh trong giờ phụ đạo tiếng Việt cho học trò vùng cao.
Thầy Vĩnh trong giờ phụ đạo tiếng Việt cho học trò vùng cao.


Chính cái khó, cái khổ lại níu bước chân anh, bởi trên tất cả là tình thương đối với học trò nghèo. Anh Vĩnh thổ lộ: “Nếu không có những người chấp nhận thiếu thốn, hy sinh  thì bao giờ bọn trẻ mới biết chữ”. Ban đầu, anh vấp phải rào cản lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ, nên khó truyền đạt tiếng Việt cho học trò. Do đó anh vừa dạy cho trò biết tiếng Việt, vừa tự học tiếng Ca Dong. Sau thời gian nỗ lực học tiếng đồng bào, anh giao tiếp được với học trò, dần dần vận động thêm nhiều trẻ em đến lớp.  Để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, anh theo học lớp giáo viên cắm bản khóa II. Vừa đi dạy, vừa đi học, quãng thời gian này thầy giáo Vĩnh phải nỗ lực gấp đôi.

Thầy giáo Vĩnh thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Cùng ăn cùng ở với bà con, từ đó giúp dân làng xem trọng cái chữ, để cho con cháu đi học thuận lợi hơn. Thầy giáo Vĩnh được bà con tin tưởng. Họ không những động viên con cháu đi học mà bản thân các cụ lớn tuổi, trai, gái trong làng cũng theo thầy Vĩnh học lớp “xóa mù chữ” vào ban đêm ngay tại bản. Hình ảnh thầy giáo Vĩnh miệt mài dạy chữ cho đồng bào nghèo bên ánh đèn  giờ vẫn còn in đậm trong ký ức của đồng bào.

Giờ đây khi giảng dạy tại ngôi trường khang trang, thầy giáo Vĩnh càng thấy trân trọng những kỷ niệm gian khổ nhưng quý giá ngày nào, giúp anh có thêm trải nghiệm để tiếp tục cống hiến. Với anh, những ngày tháng ấy đánh đổi biết bao mồ hồi, nước mắt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Những cơn lũ kinh hoàng và bệnh tật hành hạ suýt cướp đi mạng sống của anh. Những trận sốt rét rừng khiến đôi môi thâm đen, nếu không có học trò khiêng võng đưa anh đi trong đêm đông lạnh giá đến trạm xá xã thì anh khó mà qua khỏi. Anh kể rằng, khi đến nơi, sau khi được y tá chăm sóc hồi phục, nhưng toàn thân thầy giáo trầy xước, tóe máu vì các trò khiêng thầy trên võng va phải đá. “Đem cái chữ lên đây truyền cho bà con. Đổi lại bà con cho mình cái ăn, chỗ ở, cưu mang mình những ngày bệnh tật quật ngã. Cái nghĩa, cái tình nặng lắm, làm sao trả hết”, thầy Vĩnh nói.

Tôi gặp già làng Đinh Kà Rẻo- người từng cưu mang thầy Vĩnh. Già làng Đinh Kà Rẻo như vui hẳn lên khi nói về “người con của bản”: “Thầy Vĩnh dạy bọn trẻ biết cái chữ của Bác Hồ, dạy cho bà con biết đọc tiếng Kinh. Bà con yêu quý thầy giáo lắm. Việc gì thầy cần giúp đỡ, người trong làng ai cũng sẵn lòng giúp”. Cũng chính từ tình sâu, nghĩa nặng của bà con dân bản đối với mình, mà trong suốt 20 năm “gùi chữ lên non” thầy Vĩnh vẫn miệt mài “gieo chữ”, dẫu khó khăn vẫn không lùi bước.

Không ngừng sáng tạo, cống hiến

Đối với thầy giáo Vĩnh, điều quan trọng nhất của người thầy là phải luôn nỗ lực tự học và sáng tạo. Thầy giáo Vĩnh luôn mày mò, sáng tạo trong cách dạy để trò không nhàm chán. Trong 20 năm “cắm bản” miền núi, anh không ngừng tự nỗ lực để học tập, nâng cao nghiệp vụ. Năm 2013, anh đã hoàn thành khóa đào tạo đại học sư phạm hệ vừa học vừa làm. Nâng cao nghiệp vụ, giúp thầy Vĩnh thêm sáng kiến trong giảng dạy, được đồng nghiệp đánh giá cao. Đó là những sáng kiến kinh nghiệm dạy tiếng Việt; những biện pháp vận động học sinh ra lớp, hạn chế bỏ học…

Trong giảng dạy, anh dùng nhiều hình ảnh trực quan để trò hình dung các từ ngữ khó. Đối với thầy giáo vùng cao, có lẽ khó khăn nhất vẫn là vận động trẻ đến lớp học đầy đủ. Thầy Vĩnh thường xuyên gần gũi, hiểu rõ từng hoàn cảnh, nắm bắt tâm tư học trò nên đã giúp anh phối hợp cùng hội, đoàn thể địa phương vận động thành công. Song song với đó, anh xây dựng mô hình “đôi bạn cùng tiến” để các em tự kèm cặp nhau trong học tập…

Từ những sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong công tác giảng dạy đã giúp thầy giáo Vĩnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia và đón nhận nhiều bằng khen, giấy khen. Và quý giá trên hết đối với thầy giáo Vĩnh là “niềm tin yêu mà học trò và bà con vùng cao dành cho mình. Đó là động lực giúp mình  mỗi ngày tận tụy, nỗ lực hơn nữa để thắp sáng tri thức ở vùng cao”.

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.