Nhớ về ngôi trường thời chống Mỹ

09:11, 19/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 10 năm 1964, Bình Phú là một trong những xã được giải phóng đầu tiên ở vùng đông huyện Bình Sơn. Một trong những nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài mà chính quyền cách mạng không thể không đề cập đến đó là phong trào giáo dục ở vùng giải phóng.

Sau bao năm chiến tranh, nhiều con em chúng ta lúc bấy giờ bị thất học hoặc phải bỏ học giữa chừng. Ý thức được vấn đề này nên ngay từ những ngày đầu giải phóng, tuy bận “trăm công, nghìn việc” nhưng chính quyền Cách mạng đã chú trọng đến một nền giáo dục cách mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc kháng chiến trước mắt và kiến quốc lâu dài. Hầu hết ở các xã đều có trường cấp I cho con em theo học bằng hệ thống trường, lớp linh hoạt, phù hợp với thời chiến. Trong bối cảnh ấy, Bình Phú được xem như một tâm điểm của giáo dục giải phóng tại vùng đông Bình Sơn và đông Sơn Tịnh lúc bấy giờ. Với quyết tâm của ngành giáo dục, được sự chỉ đạo của Đảng và chính quyền Cách mạng, tháng 10 năm 1965 trường cấp II Bình Sơn được thành lập và bắt tay ngay vào hoạt động.

Nhớ lại tháng 10 năm ấy, tiết trời đã chuyển sang đông, mưa nhẹ, gió se se lạnh, trên một trăm thầy giáo, học sinh cùng nhau tề tựu trong sân trường, bên cây bàn thưa thớt lá, chúng tôi trang nghiêm trong trang phục khiêm nhường “có gì mặc ấy” của thời kháng chiến, trong lòng khấp khởi đón luồng gió mới của nền giáo dục cách mạng. Lễ công bố quyết định thành lập trường và ra mắt Ban giám hiệu diễn ra ngay trên mảnh đất mà ngày nay là điểm tọa lạc của Trường Tiểu học Bình Phú.

Một góc khuôn viên Trường Tiểu học Bình Phú hôm nay (trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là Trường cấp II Bình Sơn).                                                                                                                                          Ảnh: NGỌC TUÂN
Một góc khuôn viên Trường Tiểu học Bình Phú hôm nay (trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là Trường cấp II Bình Sơn). Ảnh: NGỌC TUÂN


Thầy giáo Từ Tân Vũ (cán bộ đi B), Trưởng Phòng Giáo dục huyện Bình Sơn làm hiệu trưởng danh dự cùng các thầy giáo Nguyễn Thanh Hoàng, Vũ Đức Hải, Bùi Tiên đều là những thư sinh đang học dở dang các năm cuối Trung học đệ nhị cấp trong vùng địch tạm chiếm, về vùng giải phóng, tham gia khóa đào tạo giáo viên tại Trường Trung cấp sư phạm Trung Trung Bộ về trực tiếp giảng dạy. Một tháng sau, thầy giáo Phạm Sy được bổ sung cho trường. Đến giữa năm học đầu tiên có thầy Huỳnh Tấn Khanh, Bùi Văn Sở cũng từ “cái lò” trung cấp Sư phạm Trung Trung Bộ được tiếp tục bổ sung cho trường. Thầy giáo Lê Sơn Đông (tức Lê Mỹ) quê Bình Chánh, tập kết, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, vào chiến trường được điều động về làm hiệu trưởng nhà trường. Đầu năm học thứ 3 (1967) thầy giáo Lê Văn Súy  được trên điều động về giảng dạy ở trường.

Năm học đầu tiên (1965-1966) chỉ có hai lớp 5 và một lớp 6 (hệ 10). Sang năm thứ hai, hệ thống trường lớp được hoàn chỉnh gồm một lớp 7, hai lớp 6 và ba lớp 5 với gần 300 học sinh trong đó có cả học sinh ở các xã đông Sơn Tịnh sang học lớp 7 (lúc này Trường cấp II đông Sơn Tịnh ngừng hoạt động). Sang năm thứ 3, thứ 4 mức độ đánh phá của địch ngày càng tăng nhưng trường vẫn duy trì, bám trụ.

Trong gần 5 năm học (từ tháng 10.1965 đến cuối năm 1969) thầy, trò Trường cấp II Bình Sơn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, khốc liệt của cuộc chiến tranh với quyết tâm dạy thật tốt, học thật tốt. Những năm tháng ấy, mỗi thầy, trò chúng tôi đều là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa – giáo dục, việc dạy và học cũng là nhiệm vụ mà cách mạng cần. Lớp học thời ấy chỉ là tranh tre tạm bợ, nhiều khi không có bảng đen, bàn ghế, nhưng chung quanh đều có hệ thống hầm hào khá kiên cố để hạn chế thương vong cho thầy và trò khi địch đánh phá. Các lớp học phải thường xuyên di chuyển địa điểm, bám vào làng, xóm vùng giải phóng từ Bình Phú đến Bình Hòa, Bình Tân, Bình Châu…

Thầy, trò phải quần nhau với địch, luôn ở tư thế địch đến ta tạm lánh, địch đi ta lại tiếp tục học hành. Cứ thế, mặc cho địch cày đi, xát lại nhưng phong trào giáo dục nơi đây, mà nòng cốt là trường cấp II vẫn trụ vững và phát triển. Ngoài nhiệm vụ dạy và học, thầy, trò còn tham gia các lớp xóa mù chữ, dạy bổ túc văn hóa cho thanh niên và nhân dân các xã trong vùng. Năm 1968 là năm mà phong trào giáo dục ở vùng đông Bình Sơn phát triển mạnh mẽ nhất. Nhà báo, nhà quay phim Nguyễn Văn Giá đã từng lăn lộn với nhân dân, với phong trào để ghi lại những thước phim sống động, phản ánh khí thế của nhân dân vùng giải phóng, trong đó có thầy và trò Trường cấp II Bình Sơn, nhưng tiếc thay những thước phim ấy đã vĩnh viễn đi cùng liệt sĩ Nguyễn Văn Giá.

Trong những năm tháng ấy, ý chí cách mạng sục sôi đã bừng cháy trong lòng mỗi thầy giáo, học sinh và chính nơi này đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc, cứu nước mạnh mẽ nhất. Đã có trên 200 thầy giáo và học sinh tạm gác bút, cầm súng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu; gần 100 học sinh và 4 thầy giáo (Lê Sơn Đông, Huỳnh Tấn Khanh, Bùi Văn Sở, Nguyễn Thanh Hoàng) đã anh dũng hy sinh. Trong đó, có 2 học sinh Nguyễn Bi và Võ Đức Quốc được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhà trường đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Ba.

Tự hào với bao tấm gương của các anh hùng - liệt sĩ, lớp lớp thầy giáo, học sinh nhà trường đã trực tiếp tham gia đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Nhiều thầy giáo, học sinh đã trưởng thành qua cuộc kháng chiến, tiếp tục phấn đấu, học tập, trở thành lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, ngành, nhà khoa học, nhà chuyên môn… trên nhiều lĩnh vực, hiện đang sinh sống trên mọi miền đất nước. Tuy sức khỏe, tuổi tác, công việc có bị chi phối nhưng tất cả đều có cùng tâm nguyện tự hào, nhớ mãi về một ngôi trường, một thời đạn bom, khói lửa.

Gần 50 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng những gì mà thầy, trò Trường cấp II Bình Sơn (đóng trên địa bàn xã Bình Phú) đã tạo dựng nên sẽ mãi mãi là những hình ảnh không phai mờ về một ngôi trường thời chống Mỹ.       
 

Thành An
 


.