Lớp học trong… kho lương thực

02:11, 24/11/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Là một trong hai trường THCS đầu tiên của huyện Mộ Đức được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Nhưng đến nay, sau 12 năm được công nhận, thầy và trò Trường THCS Đức Lân, hằng ngày vẫn phải dạy và học trong những phòng học “cải tiến” từ kho lương thực cũ đã xuống cấp nghiêm trọng.

TIN LIÊN QUAN

Năm 1989, Trường THCS Đức Lân mua lại một dãy nhà kho chứa lúa được xây dựng từ năm 1978 của Công ty Lương thực huyện Mộ Đức và tiến hành cải tạo thành 6 phòng học. Từ đó đến nay, sau 25 năm sử dụng, những phòng học “bất đắc dĩ” này đều đã xuống cấp nghiêm trọng và không còn đảm bảo an toàn cho thầy và trò nơi đây.

Cả 6 phòng đều đã hư hỏng nặng, từng mảng tường bong tróc lộ ra lớp gạch đã mục nát, mái ngói xập xệ ngả màu thời gian được “vá” bằng những miếng tôn rỉ sắt hết sức tạm bợ. Những thanh ron mè đã mục gần hết, một hàng cột chống “dã chiến” được dựng lên để đỡ phần mái ngói xiêu vẹo…

 

Dãy phòng của Trường THCS Đức Lân đang xuống cấp
Dãy phòng của Trường THCS Đức Lân đang xuống cấp.


Tuy nhiên, do thiếu phòng học nên hiện cả 6 phòng này vẫn được nhà trường sử dụng hàng ngày. Trong đó, một phòng được bố trí làm phòng dạy giáo án điện tử, các phòng còn lại được bố trí làm thư viện, sinh hoạt đoàn đội, phòng Hội đồng và phòng Ban giám hiệu…

“Một tuần tôi có 5 tiết dạy giáo án điện tử, nhưng căn phòng đã hỏng nên rất  lo sợ”, cô Nguyễn Thị Vi, giáo viên bộ môn Sinh học, lo lắng. Còn em Nguyễn Thị Mỹ Hoa, học sinh lớp 9E cho biết: Hàng tuần em và các bạn thường tới thư viện để mượn sách đọc, nhưng những ngày trời có gió hay mưa lớn thì thư viện phải đóng cửa. Ở đây, chỉ cần mưa nhỏ nước vẫn dột làm ướt sách”.

Thầy Phạm Kim Tiên- Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, mỗi năm trường phải dành hơn 10 triệu đồng để duy tu các phòng học này. Tuy nhiên, với số kinh phí ít ỏi đó nhà trường cũng chỉ sửa chữa được những hư hỏng nhỏ. Khi có mưa lớn, để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường phải đóng cửa tất cả các phòng này. Riêng phòng của Ban giám hiệu vẫn phải “bấm bụng” sử dụng vì không biết chuyển đi đâu. “Năm nay, ngoài lo lắng cho việc dạy và học, chúng tôi còn sợ rằng trường sẽ bị rớt chuẩn do cơ sở vật chất xuống cấp”, thầy Tiên, nói
                                   

Bài, ảnh: LÊ DANH
 


.