Gian nan đường đến lớp

07:10, 16/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa nắng phải lội qua con sông rộng gần 100m tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, mùa mưa đi bộ hàng chục cây số trên con đường lầy lội bùn đất. Đó là cách mà gần 600 học sinh các cấp học tại “xóm đảo”  ở Ba Vinh ( Ba Tơ), hàng ngày đến lớp để học con chữ.

TIN LIÊN QUAN

Mùa nắng lội sông…

Có mặt tại khu vực bờ sông Nước Nẻ, xã Ba Vinh những ngày đầu tháng 10, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhiều tốp học sinh đủ lứa tuổi đang lội qua đoạn sông rộng gần 100m để đến trường. Nhiều em học sinh tiểu học có vóc dáng thấp bé, mang cặp sách trên vai nắm tay nhau mò mẫm băng qua dòng nước chảy xiết.  “Ngày nào chúng em cũng lội qua đây để đi học. Bữa nào tới lớp hai ống quần cũng bị ướt, có bữa phải nghỉ học vì sách vở ướt hết do cặp bị rơi xuống nước” - em Phạm Văn Kéo, học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Ba Vinh, kể. Anh Phạm Văn Dũng, ngụ thôn Gò Đập,  xã Ba Vinh, làm nghề đánh cá trên đoạn sông này, cho biết thêm: “Các em học sinh lội qua sông rất nguy hiểm. Chỉ cần sơ ý là có thể bị ngã”.

Các em học sinh phải đối diện với hiểm nguy trên con đường đến lớp.
Các em học sinh phải đối diện với hiểm nguy trên con đường đến lớp.


Theo quan sát của chúng tôi, cả đoạn sông Nước Nẻ có khoảng bốn điểm thường xuyên có học sinh lội qua. Trong đó, có vài điểm người dân dùng những tảng đá to để chặn dòng nhằm giảm bớt tốc độ dòng chảy và tạo “đường đi” cho các em bước men theo. Theo một số người dân địa phương, ngoài điểm sông Nước Nẻ này, còn có điểm sông Nước Da hằng ngày cũng có rất nhiều học sinh thường xuyên lội qua để tới trường.

…mùa mưa đi vòng

Những tháng mùa mưa, khi dòng sông Nước Nẻ, Nước Da không còn hiền hoà như ngày thường thì khoảng 600 học sinh thuộc bảy thôn, xóm, gồm: Gò Đập, Chinh Giông, Nước Am, Làng Huy, Nước Nui, Nước Da và Nước Nẻ phải đi vòng một quãng đường khoảng 10km lầy lội bùn đất để tới trường. “Tuy điểm trường chỉ cách nhà các em khoảng 1km, nhưng do bị dòng sông ngăn cách nên mùa mưa các em phải đi vòng khá xa để qua cầu treo Măng Thing và Nước Nẻ để tới lớp. Vì đường đi lầy lội nên khi tới lớp, quần áo các em đều bị lấm lem bùn đất, sách vở thì bị ướt gần hết”, thầy Phan Quang Thạch - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Vinh, thở dài. Cũng theo thầy Thạch, việc phải đi bộ một quãng đường khá xa và lầy lội để đến trường, nên khi vào lớp các em thường tỏ ra mệt mỏi và uể oải, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài vở.

 Ông Cao Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vinh, cho biết: “Địa phương hiện có 400 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu đang sống trong vùng bị chia cắt. Không chỉ các em học sinh mà cha mẹ các em cũng phải lội sông nếu muốn mang con gà, con heo ra trung tâm xã để bán. Một cây cầu treo bắc qua sông là niềm mơ ước bao đời của người dân nơi đây”.     
 

Bài, ảnh: LÊ DANH

 


.