Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số- Cần thêm những quy định riêng

06:10, 28/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá của tỉnh, nên thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, nâng cao chất lượng cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng rất được quan tâm. Tuy nhiên, những văn bản cụ thể hóa cho công tác này vẫn còn quá ít, khiến công tác triển khai chưa được toàn diện.

TIN LIÊN QUAN

Chất lượng tăng rõ rệt

Từ năm 2011 cho đến nay, xã Nghĩa Thọ (Tư nghĩa) đã cử 10 cán bộ, công chức theo học các lớp đại học, cao đẳng và trung cấp công lập. Phấn đấu nâng cao năng lực nên ngoài việc đảm bảo hoàn thành tốt công việc, 10 cán bộ, công chức này đã không ngại khó, ngại khổ để tham gia đầy đủ các buổi lên lớp. “Đi học không chỉ giúp tôi nâng cao trình độ chuyên môn, mà còn trau dồi thêm những kỹ năng về thuyết trình, tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể. Nhờ thế, mà mình có thêm nhiều kinh nghiệm, ý tưởng để trình bày, hướng dẫn cho bà con”, chị Đinh Thị Nô - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Thọ phấn khởi.

Chị Đinh Thị Nô (bên phải) truyền đạt lại cho người dân kiến thức về cách dự trữ rơm cho trâu bò.
Chị Đinh Thị Nô (bên phải) truyền đạt lại cho người dân kiến thức về cách dự trữ rơm cho trâu bò.


Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, từ năm 2011 đến nay, số cán bộ, công chức, viên chức các cấp tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngày một tăng. Số cán bộ được bổ túc văn hóa THPT là 262 người. Số cán bộ, công chức hoàn thành trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên là 1.808 người. Ngoài ra, số cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số đang đào tạo trình độ trung cấp là 76, đại học là 224, trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên là 1.552 người…

Bên cạnh đó, công tác chuẩn hóa cán bộ, công chức cơ sở trong những năm qua cũng không ngừng được đẩy mạnh. Nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo từng chức danh đã được mở để góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng vào giải quyết công việc ở cơ sở. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, từng bước đáp ứng yêu cầu hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Hiện nay, có 797 cán bộ, công chức cấp huyện và 647 cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số đạt chuẩn ngạch và vị trí việc làm.

Cùng với chất lượng cán bộ nâng cao rõ rệt, số lượng cán bộ quản lý, lãnh đạo là người dân tộc thiểu số cũng chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Ở cấp tỉnh, có 61 cán bộ quản lý, lãnh đạo là người dân tộc thiểu số, ở cấp huyện là 57. Riêng cấp xã, có đến 73 bí thư, phó bí thư, 106 chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và 118 chủ tịch, phó chủ tịch UBND là người dân tộc thiểu số.

Nhưng vẫn còn thiếu cơ chế cụ thể

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Nguồn nhân lực có tăng lên cả về số lượng, lẫn chất lượng. Tuy nhiên, việc triển khai, ban hành các văn bản riêng có tính chất đặc thù trong công tác đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số vẫn còn chưa rõ ràng.

Ngoài Quyết định 126 ngày 17.5.2013 của UBND tỉnh quy định chi tiết về quy chế phối hợp trách nhiệm trong việc theo dõi, quản lý đối với học sinh, sinh viên thuộc diện cử tuyển của tỉnh theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp công lập trong nước, thì những văn bản khác vẫn còn mang tính chất chung, áp dụng trên toàn tỉnh. Công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số tại các địa phương cũng bởi thế mà khó thực hiện đầy đủ, toàn diện.

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ kiến nghị: “Song song với việc các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tập trung vào công tác quy hoạch làm cơ sở cho nhiệm vụ đào tạo, thì tỉnh cần ban hành những quy định cụ thể về các chế độ, chính sách ưu tiên trong đào tạo để từng địa phương theo đó mà áp dụng”. Đồng thời, “Cán bộ trong quá trình đào tạo mà có nhiều thành tích xuất sắc thì được xem xét khen thưởng, như vậy mới khuyến khích được cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số”, ông Thanh cho biết thêm.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.