"Lệnh" Bộ một đằng...

10:09, 20/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành Thông tư số 30 với Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên, khích lệ học sinh.

TIN LIÊN QUAN

Quyết định này nằm trong chương trình cải cách giáo dục, và về cơ bản, được sự đồng tình của phụ huynh học sinh, của cả dư luận xã hội.

Chuyện cho điểm ở bậc tiểu học đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay, cũng không phải là chuyện khiến phụ huynh học sinh phải bức xúc. Nhưng nếu nhìn kỹ lại, thì với trẻ em tiểu học, việc cho điểm ấy nhiều khi được giáo viên thực hiện một cách khá dễ dãi và mang tính hình thức, thiếu thực chất. Hầu hết các cháu ở bậc tiểu học đều đạt điểm khá cao trong khi làm bài tập hay kiểm tra, nhiều lớp học khi sơ kết học kỳ hay tổng kết cuối năm, số học sinh giỏi do đạt điểm bình quân trên 8, thậm chí 9 là áp đảo. Như thế học sinh tiểu học “về cơ bản” là học rất giỏi. Nhưng khi lên học ở bậc THCS, nhiều cháu “học  sinh giỏi tiểu học” bắt đầu học đuối dần, để lên THPT thì sự phân hóa diễn ra khá rõ rệt: Số học sinh giỏi không còn nhiều nữa, thay vào đó, số học sinh học lực trung bình nhiều hơn, số học sinh học yếu cũng bộc lộ rõ hơn.

Nếu coi bậc tiểu học là “nấc thang đầu đời” cho trẻ em khi bước vào trường học, thì “nấc thang” này cực kỳ quan trọng, vì nó đặt những nền móng đầu tiên cho cả quá trình học tập kéo dài có thể trên 15 năm của mỗi học sinh, sinh viên, hay cao hơn là nghiên cứu sinh. Vì thế, cả cách dạy và cách học ở bậc tiểu học rất cần được chăm chút, thiết kế cho hợp lý, vừa dẫn dắt các cháu nhỏ vào con đường học vấn, vừa phát huy được những tố chất ban đầu về khả năng thu nhận kiến thức  hay suy nghĩ độc lập của các cháu. Và động viên các cháu, khiến các cháu hứng thú với những tiết học trên lớp.

 
Việc cho điểm, với giáo viên, bao giờ cũng dễ hơn rất nhiều nếu thay vào đó là những nhận xét hay chỉ bảo cụ thể với từng bài kiểm tra hay vở bài tập của các cháu học trò nhỏ. Bởi không cho điểm thì giáo viên lại phải làm nhiều việc  hơn với học sinh so với cho điểm. Để đi tới sự thay đổi ấy, lẽ ra Bộ GD&ĐT nên có lộ trình để giáo viên thực tập phương pháp đánh giá mới đối với học sinh tiểu học, thay vì ngay lập tức và “bất ngờ” công  bố phương án đánh giá mới khiến giáo viên tiểu học bất ngờ và thiếu sự chuẩn bị.

Khi tôi hỏi đứa cháu nội học lớp Ba, xem từ đầu năm học tới giờ cháu còn được cô giáo cho điểm nữa không, thì tôi lại bất ngờ khi nghe cháu nói là cô giáo vẫn cho điểm bình thường. Cháu còn kể các điểm được cô giáo cho về các môn học. Như thế thì “lệnh” của Bộ GD&ĐT một đằng, còn “cồng” của giáo viên cấp tiểu học thì một nẻo hay sao?  Đã đành, Thông tư số 30 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ 15.10.2014, nhưng đó là thời gian các cháu tiểu học đã chính thức vào học gần  một tháng rưỡi. Đó là một tháng rưỡi “cho điểm”, thời gian mà “lệnh Bộ” chưa thông, còn “cồng cô” thì vẫn thế.

Thanh Thảo
 

.