Giáo dục Quảng Ngãi đổi mới từ đâu? (Kỳ 2)

08:09, 26/09/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2:“Giải phẫu” chất lượng giáo dục


Cứ ngỡ chất lượng giáo dục sẽ vững chắc hơn sau cuộc “đại phẫu” chống “bệnh” tiêu cực trong thi cử và thành tích trong giáo dục cũng như rất nhiều giải pháp được cơ quan chủ quản ban hành. Tuy nhiên, càng đi sâu tìm hiểu càng thấy “giật mình” trước thực trạng “chữ thầy trả lại cho thầy”. 

 

Mỗi môn 1,5 điểm cũng đỗ vào lớp 10

Đầu năm học, lẽ ra phải rất phấn chấn, đằng này ông Nguyễn Địch-Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Mỹ buồn ra mặt. Lý do năm học này, chất lượng tuyển sinh đầu vào của Trường THPT Sơn Mỹ lại tiếp tục không đảm bảo. “Muốn nâng cao chất lượng giáo dục của trường nhưng khó quá. Năm ngoái điểm tuyển vào 10 đã thấp (8,7 điểm-PV), năm học này lại càng thấp, chỉ có 7,5 điểm”, ông Địch lắc đầu nói. Điểm Văn, Toán nhân đôi, cộng với các điểm ưu tiên mà chỉ có 7,5 điểm thì đúng là quá đỗi buồn lòng. Phần lớn HS ở Trường THPT Sơn Mỹ được cộng từ 1 đến 1,5 điểm khuyến khích học nghề và 1 điểm ưu tiên vùng bãi ngang ven biển. Nhẩm tính thì mỗi môn Văn, Toán, học trò chỉ 1,5 điểm là đã đỗ. Trong số 448 thí sinh đăng ký dự thi, chỉ có 33 thí sinh bị rớt, thế mà vẫn “hụt” 15 HS so với chỉ tiêu. Ông Địch thở dài: “Thế là đã thấp nhất tỉnh, chẳng thể thấp hơn được nữa”.

Học sinh Trường THCS Tịnh Phong trong giờ học. (Ảnh minh họa).
Học sinh Trường THCS Tịnh Phong trong giờ học. (Ảnh minh họa).


Theo ông Địch, nguyên nhân là do chất lượng giáo dục của các trường THCS còn thấp. Nhiều năm rồi, cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường đau đầu với công tác giảng dạy. Học sinh bị “hổng” kiến thức quá lớn nên rất khó bù đắp. Hệ lụy của giáo dục thiếu tính bền vững dẫn đến HS “đuối sức”. HS đạt học lực khá, giỏi giảm dần, thay vào đó là trung bình, yếu và kém tăng lên. Năm học 2013-2014, Trường THPT Sơn Mỹ có 45,95% HS có học lực trung bình, 17,27% HS yếu, 1,48% HS kém. Cũng vì thế mà ngày càng có nhiều HS bỏ học. Năm học rồi, trường này có đến gần 100 HS bỏ học.

Học sinh "hổng" kiến thức từ cấp dưới  

Chúng tôi đến Trường THCS Tịnh Phong (Sơn Tịnh), ngôi trường có  số lượng HS có điểm thi vào lớp 10 môn Toán dưới 2 điểm thuộc hàng cao nhất tỉnh (35,4%). Ông Trần Tấn Châu-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tịnh Phong tâm tư rằng, bản thân ông cũng hết sức trăn trở trước chất lượng HS không đảm bảo. Ông Châu phân trần: “Căn bản là kiến thức ở tiểu học các em không nắm vững. Trường cũng rất trăn trở, tìm mọi giải pháp để nâng cao chất lượng nhưng không thể một sớm một chiều. Thầy cô giảng dạy cũng rất nhiệt tình, không thể đổ lỗi hết cho giáo viên, cũng có phần do học sinh...”.

Theo ông Châu, khoảng 70% HS lớp 6 có học lực khá, giỏi từ bậc tiểu học. Thế nhưng qua kỳ khảo sát chất lượng đầu năm học, chất lượng không như mong đợi. Đầu năm học này, qua kỳ khảo sát theo đề chung của Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh, số HS có điểm số dưới 5 chiếm tỷ lệ khá cao. Môn Ngữ văn có 42,7% HS dưới 5 điểm, môn Toán 44,3%, môn tiếng Anh 59,5%. Cùng với đó, qua kết quả kiểm tra học kỳ của Trường THCS Tịnh Phong cho thấy chất lượng giáo dục “có vấn đề”. Trong kỳ kiểm tra học kỳ II năm học 2013-2014, số lượng HS có điểm thi dưới trung bình chiếm tỷ lệ cao ở hầu hết các môn, hầu hết các khối lớp. Khối lớp 6 điểm dưới trung bình môn Toán 57%, Vật lý 59,2%, tiếng Anh 52,3%. Khối lớp 7 điểm dưới trung bình môn Toán 40,2%, tiếng Anh 58,9%. Khối lớp 9 điểm dưới trung bình môn Toán 41,5%.  

Thầy giáo Bùi Chiến (dạy Toán, Trường THCS Tịnh Phong), người có thâm niên 37 năm đứng lớp, buồn rầu nói: “Đây là vấn đề trăn trở đối với tất cả mọi người. Phải trách nhiệm hơn nữa đối với học trò”. Thầy giáo Chiến cho biết, khả năng của số đông HS chỉ dừng lại ở khả năng nhận biết, việc vận dụng thực tiễn rất hạn chế. Đối với môn Toán, ngay cả HS lớp 8 cũng lúng túng khi làm các phép tính đơn giản. Các em chỉ quen sử dụng máy tính mà không chịu tư duy. “Đơn giản như phép tính 24 chia 3; 123 nhân 45; 12345 nhân 345... nhiều em không trình bày, tính toán được. Kiến thức này thuộc cấp I. Trong 45 phút lên lớp, chủ yếu dạy chương trình mới, không thể bù đắp hết. Học yếu nên dần HS sợ học”, thầy giáo Chiến nói.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Cả hai Trường THPT Sơn Mỹ và THCS Tịnh Phong đều là trường đạt chuẩn quốc gia. Điều này khiến cho những ai quan tâm đến sự nghiệp “trồng người” không khỏi đau đáu nỗi lo. Trường THPT Sơn Mỹ, THCS Tịnh Phong chỉ là 2 trong số rất nhiều trường học trong tỉnh cần thiết phải “mổ xẻ” về chất lượng giáo dục để nhìn nhận rõ hơn về trách nhiệm.

Lướt qua những con số của năm học 2013-2014, cũng đủ khiến “giật mình”. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015, đối với môn Toán trong số 12.673 TS thì có đến 51,93% HS có điểm thi dưới 5; 2.495 HS dưới 2 điểm. Môn Ngữ văn có 47,27% HS có điểm thi dưới trung bình. Có nhiều trường, tỷ lệ HS có điểm thi trên trung bình chưa đầy 30%, trong khi tỷ lệ HS có điểm thi dưới 2 chiếm đến 40%. Kết quả thống kê chất lượng HS các cấp trong năm học 2013-2014 cũng là những con số “biết nói”. Đối với bậc THPT, toàn tỉnh có 47,9% HS có học lực trung bình; 14,8% HS yếu, 5% HS kém. Bậc THCS có 42% HS  có học lực trung bình; 9,6% HS yếu; 0,4% HS kém. Bậc tiểu học thì phần lớn HS đạt học lực khá, giỏi; trung bình, yếu chỉ chiếm chừng 20%.

Lâu nay, nói đến chuyện HS bỏ học giữa chừng thường thì ngành giáo dục chỉ đề cập đến khu vực miền núi, ven biển do khó khăn về kinh tế. Thế nhưng trên thực tế điều khiến cho không ít HS chán học, bỏ học đó chính là do bị “hổng” kiến thức. Trong năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 775 HS THCS bỏ học; 1.244 HS THPT bỏ học, nguyên nhân chủ yếu do học lực yếu.

Nói đến trách nhiệm, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên bậc THPT  cho rằng học lực của HS hạn chế do “hổng” kiến thức từ bậc THCS. Còn bậc THCS thì “đẩy” một phần trách nhiệm cho bậc tiểu học. Vậy từ đâu dẫn đến những con số đáng buồn trên? Ngành giáo dục cần có câu trả lời cho vấn đề này để chất lượng giáo dục thật sự bền vững.   

Bài, ảnh: Phương Lý


*Kỳ 3: Giải pháp nào để chất lượng giáo dục bền vững?  


 


.