Đón chờ một kỳ thi mới

04:09, 13/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là kỳ thi THPT quốc gia, bắt đầu chính thức áp dụng từ năm 2015. Thời gian thi ấn định là 4 ngày, từ ngày 9-12 tháng 6.2015. Vậy là một bước đột phá trong thi cử ở bậc tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng  (CĐ) đã được Bộ GD&ĐT chính thức “nổ pháo lệnh” thực hiện.

TIN LIÊN QUAN

Xem qua tất cả những điểm mới (gồm 9 điểm) của kỳ thi quốc gia, chúng ta vui mừng nhận thấy tư duy về thi cử, về con đường để thí sinh vào học các bậc ĐH, CĐ đã thay đổi theo hướng tích cực, nhằm tạo điều kiện cho học sinh,cho thí sinh tập trung vào học tập, năng động trong thu nhận kiến thức, mà cuộc thi mang tên “Kỳ thi THPT quốc gia” chỉ là sự đánh giá cuối cùng, duy nhất cho cả một quá trình nỗ lực học tập. Ba môn thi bắt buộc và một môn thi tự chọn cho cả một kỳ thi là vừa sức thí sinh. 20-30 cụm thi trong toàn quốc cũng sẽ giúp thí sinh đỡ phải “cơm đùm cơm nắm” đi xa, phụ huynh cũng đỡ phần vất vả tốn kém.

Đặc biệt, với những thí sinh không có nhu cầu vào học ở bậc ĐH hay CĐ, con số ước tính khoảng 20% tổng số thí sinh tốt nghiệp lớp 12, việc được công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Và đặc biệt là dữ liệu điểm thi sẽ công bố công khai trên mạng, để thí sinh tra cứu, căn cứ vào kết quả thi sử dụng cho việc lựa chọn đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ.  

Thí sinh đã thực sự trở thành “trung tâm” của kỳ thi THPT quốc gia này. Và đó là một bước tiến lớn trong quy trình thi cử tốt nghiệp THPT và thi vào ĐH, CĐ nếu so với cách thi “ba chung” lâu nay. Cũng có những ý kiến cho rằng việc đưa ngoại ngữ vào một trong ba môn thi bắt buộc sẽ “làm khó cho thí sinh”, nhưng theo tôi, đó là sự “làm khó cần thiết”. Trừ một số địa phương mà việc giảng dạy ngoại ngữ chưa tốt, chưa đủ điều kiện để thí sinh tự tin thi môn này, thì việc thi môn ngoại ngữ như một môn thi bắt buộc là hết sức cần thiết.

Đất nước chúng ta không thể phát triển và hội nhập quốc tế nếu những thế hệ trẻ không biết ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Trong ba môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thì môn nào cũng quan trọng và cần thiết như nhau cả. Và đều cần phải thi cả, nếu muốn nhận xét đúng trình độ thí sinh khi xét tuyển vào ĐH, CĐ. Với việc “nhẹ nhàng hơn” khi cho thi và xét tốt nghiệp THPT, thì việc hướng nghiệp cho thí sinh, nhất là hướng các em vào học ở những trường dạy nghề có chất lượng tốt và học những nghề cơ bản, có thể làm nghề ngay sau khi học là hết sức cần thiết. Vai trò của các trường dạy nghề phải được đề cao, và phải dạy cho học sinh những nghề thực tế, thực dụng, dạy và học để có thể làm những nghề mà đất nước đang cần. Làm một cách thành thạo, có kỹ năng.

Nói chung, với việc công bố chính thức kỳ thi THPT quốc gia này, Bộ GD& ĐT đã “tính điểm” được với nhân dân cả nước. Và đó là điểm tích cực. Bây giờ, vấn đề chỉ là làm sao thực hiện cho thật nghiêm túc, thật công khai minh bạch “một kỳ thi” này. Cái lợi có thể tính được bằng tiền, và chưa thể tính được bằng tiền. Nhưng tôi tin, đó sẽ là những cái lợi thực sự khi việc thi cử và con đường vào ĐH hay CĐ của thí sinh được chuẩn hóa, không còn nặng nề, nhưng hiệu quả thì có thể còn cao hơn là thi theo kiểu “ba chung” như lâu nay.

Thanh Thảo


 


.