Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Cần được coi trọng

02:08, 18/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đang là vấn đề khiến nhiều người trăn trở. Mặc dù trong nhà trường đã có nhiều hoạt động giáo dục, răn đe, thế nhưng thực tế ngày càng có nhiều học sinh lệch lạc về nhận thức và hành vi...

TIN LIÊN QUAN

Nhiều học sinh bị “lạc lối”  

Nói đến đạo đức, lối sống của học sinh, nhiều người lo lắng trước thực tế không ít học sinh bị tác động bởi yếu tố tiêu cực trong phim ảnh, mạng Internet, mạng xã hội, các trào lưu văn hóa ngoại nhập... dẫn đến nhận thức và hành vi lệch lạc, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Ngày càng có nhiều học sinh sa vào các tệ nạn xã hội như đánh số đề, cá độ, gây gổ đánh nhau gây mất trật tự, thậm chí là giết người, cướp của... Nhiều học sinh nghiện chơi games, bỏ bê việc học, uống rượu bia, hút thuốc lá... Ngay cả trong cách ứng xử, ăn mặc của không ít học sinh cũng bị “tiêm nhiễm” bởi cái xấu, không phù hợp với lứa tuổi và truyền thống của dân tộc.

Nhà trường, gia đình và xã hôi cần giúp học sinh tự nhận thức và điều chỉnh hành vi để tránh lệch lạc. (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Nhà trường, gia đình và xã hôi cần giúp học sinh tự nhận thức và điều chỉnh hành vi để tránh lệch lạc. (ảnh chỉ mang tính minh họa)


Trong báo cáo tổng kết năm học 2013-2014, Sở GD&ĐT nhắc nhở các trường học phải xem xét lại việc giáo dục kỹ năng sống, đạo đức cho học sinh. Chắc hẳn những ai tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” đều không khỏi buồn lòng khi nghe thông tin từ Sở GD&ĐT, trong năm học 2013-2014 Trường THPT Ba Gia (Sơn Tịnh) đã xử lý kỷ luật nhiều học sinh đua đòi rơi vào các tệ nạn xã hội; Trường THPT Bình Sơn xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo 15 học sinh, Trường THPT Phạm Văn Đồng (Mộ Đức) xử lý 10 học sinh với hình thức kỷ luật cảnh cáo, khiển trách do đánh nhau; Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi) kỷ luật 176 học sinh... Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ so với thực tế đáng buồn đã xảy ra bởi sự lệch lạc về nhận thức và hành vi của học sinh.

Thầy giáo Bùi Văn Tạo-Hiệu trưởng Trường THCS Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), lo lắng: “Có không ít học sinh tiếp nhận cái mới nhưng thiếu sự lựa chọn, chạy theo thị hiếu tầm thường, thiếu niềm tin phấn đấu, không xây dựng cho mình ước mơ, hoài bão”. Nhiều bậc cha mẹ lam lũ làm ăn, kiếm tiền để thực hiện ước mơ nuôi con cái ăn học. Nhưng rồi đã phải đau đớn khi hay tin con trẻ trở thành “đứa con hư” bởi không thoát khỏi sự cám dỗ của mặt trái ngoài xã hội. Tuy nhiên, cũng có không ít bậc cha mẹ vì quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu của con dẫn đến các em mất năng lực cá nhân, sinh ra các thói hư tật xấu.

Đâu là giải pháp?

Ở tất cả các trường học đều xây dựng nội quy và giáo dục, nhắc nhở học sinh thực hiện đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, chuyên cần học tập. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường THCS Chánh Lộ Bùi Văn Tạo bình quân mỗi ngày một học sinh chỉ ở trường khoảng 5 tiếng đồng hồ, còn lại khoảng thời gian dài rơi vào gia đình và xã hội. Do đó giữa gia đình, nhà trường và xã hội cần phải có sự phối hợp chặt chẽ.

 Tại Trường THPT Tư Nghĩa 1 - ngôi trường có chất lượng giáo dục thuộc tốp đầu của tỉnh, ngay từ khi mới tựu trường, học sinh đã được nhà trường quán triệt và yêu cầu thực hiện nghiêm quy chế, nhất là đối với học sinh khối lớp 10. Chuyên đề giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh do chính hiệu trưởng đảm trách và triển khai trong các buổi chào cờ đầu tuần.

Thầy giáo Trương Quang Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Tư Nghĩa 1, nhận định: “Qua công tác tuyên truyền đã tác động tích cực đến đạo đức, lối sống học sinh, giúp các em có hướng đi đúng đắn. Qua dư luận học sinh, hầu hết các em cũng đã tự nhận thức được rằng vào Trường THPT Tư Nghĩa 1 là thực hiện nghiêm quy chế và thi đua học tập”. Nói như vậy không có nghĩa đối với học sinh Trường THPT Tư Nghĩa 1 đã yên tâm về mặt đạo đức, lối sống. Hiệu trưởng Trương Quang Dũng vẫn băn khoăn bởi “một số học sinh đua đòi trong ăn mặc, nói tục chửi thề, ngay cả cách chào hỏi thông thường cũng không như ý muốn, học sinh lạm dụng điện thoại, chơi games...”.

Đúng như yêu cầu của Sở GD&ĐT, các trường học cần thiết phải xem lại khâu giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà trường không nên áp đặt, mệnh lệnh trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua quy chế. Cần tạo điều kiện để học sinh tự nhận thức đâu là hướng đi đúng đắn để điều chỉnh hành vi. Thầy giáo Nguyễn Văn Huy (dạy môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Khiết) cho rằng: “Bằng tài năng sư phạm, giáo viên giúp học sinh tự nhận thức, tự điều chỉnh bằng chính dư luận học sinh. Thêm vào đó, giữa gia đình và nhà trường phải có sự thông cảm, hỗ trợ lẫn nhau để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.