Dạy "ngoại ngữ" cho giáo viên miền núi

11:08, 24/08/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Với giáo viên ở vùng cao, “ngoại ngữ” không phải là tiếng nước ngoài mà là tiếng địa phương. Nói thông thạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số chính là chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Chìa khóa vượt rào cản

Chúng tôi có dịp tham gia một buổi học tiếng Cor của giáo viên tiểu học huyện miền núi Tây Trà. Giáo viên đứng lớp đã tỉ mĩ hướng dẫn từng chữ, từng câu cho gần 200 giáo viên bậc tiểu học.

Phát âm, đọc viết rất khó nhưng mọi người ai cũng chăm chú lắng nghe, hớn hở vì hy vọng chính những thứ mình tích lũy hôm nay sẽ giúp ích rất nhiều trong việc dạy của mình và học của học sinh.

Thầy Trần Quang Việt, giáo viên Trường Tiểu học xã Trà Thanh chia sẻ: “Những năm trước, học sinh đến lớp toàn nói tiếng mẹ đẻ, nhất là học sinh vừa lên lớp 1 nên việc dạy và học chẳng khác nào nghe tai này lọt tai kia”.

Bên cạnh đó, việc đến trường của con em không được phụ huynh mặn mà lắm nên chuyện học sinh bỏ học không có gì lạ. Mỗi lần như thế, đến nhà vận động học sinh ra lớp là nhiệm vụ thường xuyên của giáo viên, nhưng khổ nổi giáo viên không biết tiếng của họ.

 

Dạy tiếng Cor cho giáo viên tiểu học ở huyện Tây Trà.
Dạy tiếng Cor cho giáo viên tiểu học ở huyện Tây Trà.

 

Những lúc như thế, giáo viên phải tìm đến già làng, trưởng bản, trưởng thôn nhờ “phiên dịch viên”. Dẫu vậy cũng rất bất tiện khi các “phiên dịch” không hết ý và khi họ không sắp xếp được thời gian để đi cùng mình.

“Nhờ người phiên dịch cái bất tiện là mình phải hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Mình đã từng nghĩ tại sao không học tiếng Cor để mình chủ động. Như thế hay biết mấy! Giờ được học mình thấy bổ ích vô cùng”- thầy Việt bộc bạch.

Cũng hớn hở không kém đồng nghiệp, thầy Nguyễn Văn Thành, giáo viên Trường Tiểu học Trà Phong say sưa đọc. “Có khó đến mấy vẫn phải học. Không học không chỉ bỏ phí cơ hội được biết thêm một “ngoại ngữ” mà còn lãng phí cơ hội giúp mình tự tin hơn trên bục giảng, giúp mình xích lại gần các em hơn ”- thầy Thành nói.

Khác với việc học ngoại ngữ thông thường, có thể tự học trên mạng internet hay không học lúc này thì học lúc khác. Xác định đây là "ngoại ngữ đặc thù” rất cần thiết phải học, khi học, mọi người phải đọc bập bẹ như trẻ con tập nói, không quản ngại khó khăn, ngày hai buổi những học viên đến lớp đông đủ và không sót một ngày.

Cần nhân rộng

6 huyện miền núi của tỉnh, nơi có chất lượng giáo dục đạt thấp cũng là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số như Cor, H're, Cadong...

Phần lớn giáo viên dạy tiểu học ở khu vực miền núi lại là người Kinh, chưa biết nhiều về ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Không thông thạo tiếng dân tộc, giáo viên cắm bản gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động học sinh đi học cũng như công tác giảng dạy tiếng Việt trên lớp nên gặp không ít trở ngại.

Để từng bước khắc phục hạn chế này, trước đây, ngành giáo dục tỉnh nhà đã triển khai mô hình "nhân viên hỗ trợ giáo viên". Nhân viên là những người biết ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số được phân công nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên dạy lớp 1, huy động trẻ em 6 tuổi ra lớp, trợ giảng giáo viên trong tiết dạy, đặc biệt là tổ chức dạy tiếng Việt trong hè cho các cháu chuẩn bị vào lớp 1.

 

Đây được xem là chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi.
Tạo điều kiện cho giáo viên tiểu học tiếp cận được tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số là phương án hữu hiệu nhất để nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Thầy Võ Đình Tú- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà nhận định: Mô hình được đánh giá thành công. Nhân viên hỗ trợ giáo viên là những người đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa giáo viên và học sinh, giúp công tác dạy và học đạt hiệu quả hơn.

Dẫu vậy, giá như giáo viên thông thạo tiếng dân tộc thì hiệu quả gấp bao nhiêu lần! Với trăn trở ấy, bước vào năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà đã tổ chức lớp học đại trà cho giáo viên tiểu học.

Các học viên được 2 giáo viên rành tiếng Cor truyền đạt 13 bài trong giao tiếp của người Cor như các từ ngữ, cách phát âm, cách ghi chép chữ trong tiếng Cor như đếm số, chào hỏi, tên tuổi, bố mẹ, gia đình, thời gian, làng bản, Bác Hồ, quê hương, sức khỏe, đi rẫy…, nhằm giúp giáo viên lĩnh hội được những kiến thức thông dụng nhất của tiếng địa phương.

Thực tế cho thấy, ý tưởng về lớp học này rất phù hợp với nguyện vọng không chỉ của giáo viên mà còn người dân, học sinh dân tộc Cor. Mô hình cần nhân rộng khắp các huyện miền núi. Vượt qua rào cản này, các huyện miền núi sẽ nhanh chóng nâng cao được chất lượng giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách với các huyện đồng bằng.

Ông Võ Đình Tú - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà cho biết: Địa phương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lớp với thời gian học dài hơn, tạo điều kiện cho giáo viên tiểu học tiếp cận được phần lớn tiếng nói của dân tộc Cor. Đó là phương án hữu hiệu nhất để nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà.

 


Bài, ảnh: A.Kiều-T.Hậu
 


.