Hoạt động của các Trung tâm gia sư: Ai quản lý?

12:07, 01/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm gia sư. Song, hoạt động của các trung tâm này chưa được quản lý bởi cơ quan chức năng, nên có một số biểu hiện đáng lo ngại.

Phô trương qua tờ rơi

Kỳ nghỉ hè mới bắt đầu, nhiều phụ huynh đã lo lắng tìm nơi học hè cho con mình. Nếu trước đây,  gia đình khá giả mới thuê gia sư về nhà dạy kèm, thì từ khi có quy định cấm dạy thêm học thêm tràn lan, để đầu tư cho việc học của con, nhiều phụ huynh đành “bấm bụng” tìm đến các trung tâm gia sư. Nắm bắt nhu cầu đó, các trung tâm gia sư mọc lên như nấm. Trong đó, rất ít trung tâm có văn phòng hay địa chỉ cụ thể, khi phụ huynh hay sinh viên có nhu cầu thì liên lạc qua số điện thoại in trên tờ rơi.
 

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi  cho biết: Tỉnh ta có lực lượng con em đào tạo sư phạm ra trường bị thất nghiệp rất đông và nay là đội ngũ chính của các trung tâm gia sư. Do chúng ta thực hiện kiểm tra chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm nên các trung tâm gia sư xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là một nhu cầu tất yếu của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy định cơ quan quản lý nên việc kiểm tra, giám sát hoạt động của những trung tâm này gặp nhiều khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Nguyên, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), cho biết: “Hai vợ chồng bận bịu đi làm suốt nên phải tìm gia sư cho cháu. Qua lời quảng cáo trên tờ rơi “đội ngũ giáo viên tận tình, có kinh nghiệm…”, mình liên lạc với số điện thoại Trung tâm gia sư TV, để tìm một giáo viên kèm toán, lý, hóa cho con trai đang học lớp 10. Trung tâm này thông báo học phí là 900.000 đồng/tháng (12 buổi), sau đó lấy địa chỉ của mình và xếp lịch học”. Tuy nhiên, sau 1 tháng học gia sư, chị Nguyên phải yêu cầu đổi giáo viên vì học lực của con trai chị không tiến bộ mà còn bị giảng dạy sai phương pháp. Qua tìm hiểu, chị Nguyên bất ngờ được biết, giáo viên mà Trung tâm TV giới thiệu đến là 1 sinh viên tốt nghiệp khoa tài chính ngân hàng, Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đang thất nghiệp.

Theo chị Nguyễn Thị Lan, một gia sư lâu năm, không chỉ riêng chị Nguyên mà rất nhiều phụ huynh cũng gặp trường hợp trên. Bởi các trung tâm gia sư hiện nay đều có đội ngũ chủ yếu là sinh viên thất nghiệp hoặc đang học các trường đại học, cao đẳng. Còn giáo viên đang giảng dạy rất ít người chấp nhận đến nhà dạy kèm. Nhưng vì hầu hết phụ huynh yêu cầu giáo viên gia sư nên trên tờ rơi đều quảng cáo sai sự thật.

Phụ huynh và người dạy đều thiệt

Hiện nay, chi phí môi giới của các trung tâm gia sư trong tỉnh đều rất cao, từ 35- 40% tháng lương đầu tiên, và phải đóng trước khi nhận lớp. Trường hợp các lớp có học phí trên 1.000.000 đồng/tháng, người dạy phải trả thêm 100.000 đồng mỗi tháng cho trung tâm. Tuy nhiên, nếu người dạy không có chuyên môn, dạy học sinh không tiến bộ phải nghỉ thì số tiền học phí được nhận, sau khi trừ đi tiền môi giới và chi phí đi lại cũng không còn là bao. Còn phụ huynh vừa tốn tiền, vừa phải đau đầu vì việc học của con mình bị gián đoạn do phải đổi giáo viên liên tục. Trong khi đó, trung tâm gia sư đã hưởng trọn số tiền môi giới, nếu phụ huynh muốn đổi giáo viên, họ lại tiếp tục thu tiền môi giới. Người dạy phải đóng 10.000- 20.000 đồng chi phí đăng ký cho trung tâm gia sư.

Trên trụ điện dán đầy tờ rơi quảng cáo của trung tâm gia sư, hầu hết là các trung tâm không có địa chỉ cụ thể.
Trên trụ điện dán đầy tờ rơi quảng cáo của trung tâm gia sư, hầu hết là các trung tâm không có địa chỉ cụ thể.


Nhiều người dạy cho biết, nếu không được phụ huynh chấp nhận, người dạy  rất khó lấy lại tiền môi giới ở trung tâm gia sư. Bởi phần lớn các trung tâm không có địa chỉ, chỉ giao dịch qua điện thoại, cũng không hề có hợp đồng ràng buộc. Khi nhận lớp, người dạy chỉ việc đóng tiền và nhận giấy giới thiệu của trung tâm. Khi có rủi ro xảy ra, trung tâm thường tìm cách đổ lỗi cho người dạy để không hoàn đủ số tiền môi giới, hoặc “giam” tiền, và hứa hẹn có lớp khác sẽ giới thiệu cho người dạy. Nhiều sinh viên đã phải ngậm bồ hòn chấp nhận mất tiền vì không biết kêu ai.

Bạn Phan Hoàng Liên- một sinh viên làm thêm nghề gia sư chia sẻ: “Ai cũng biết qua trung tâm gia sư thì người dạy bị chèn ép, nhưng bọn mình cần tiền để trang trải cho việc học nên phải chấp nhận thiệt thòi. Hiện nay, sinh viên muốn tìm việc gia sư bắt buộc phải liên hệ các trung tâm gia sư, phụ huynh đều tìm đến họ nên sinh viên phải lệ thuộc vào trung tâm thôi”.

 Chưa có nơi nào quản lý

Hoạt động của các trung tâm gia sư có liên quan đặc biệt đến ngành giáo dục. Tuy nhiên do chưa có văn bản quy định nên rất khó để quản lý. Thầy Nguyễn Văn Kiểm- Phó Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi cho biết: Năm 2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2008/QĐ- UBND quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nhắc đến hoạt động gia sư “Những cá nhân dạy thêm theo hình thức “gia sư” (nhóm không quá 8 học sinh), dạy kèm cặp từng học sinh theo yêu cầu của học sinh hoặc gia đình thì không thuộc loại hình dạy thêm phải xin phép, nhưng phải chịu trách nhiệm về chất lượng và nội dung giảng dạy.

 Các trung tâm luyện thi tuyển sinh cao đẳng, đại học và chuyên nghiệp tổ chức trong nhà trường, tại cơ sở giáo dục đại học hoặc tại cơ sở riêng, các trung tâm gia sư thuộc diện đơn vị kinh doanh (có giấy phép kinh doanh) phải được Sở GD&ĐT cho phép chính thức trước khi triển khai dạy thêm”. Tuy nhiên, năm 2012, UBND tỉnh ra Quyết định số 51/2012/QĐ- UBND tỉnh, thay thế cho quyết định trên, lại không có quy định nào nhắc đến các trung tâm gia sư. Do đó, ngành giáo dục không thể kiểm tra, quản lý hoạt động của các trung tâm này.
  

  Bài, ảnh: P.V

 


.