Hệ thống trường học mầm non: Thiếu trầm trọng nhân viên y tế

03:06, 22/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trẻ ở lứa tuổi mầm non có nguy cơ cao mắc các loại bệnh, do đó công tác y tế ở các trường mầm non đóng vai trò rất quan trọng. Thế nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều trường mầm non ở tỉnh ta “trắng” nhân viên y tế.

Thực tế đáng lo ngại

Theo thống kê của Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT), năm học 2013-2014 toàn tỉnh có 118/209 trường MN có nhân viên y tế (NVYT).  Trong đó có 18 NVYT thuộc diện biên chế, còn lại là hợp đồng. Đối với các huyện miền núi, phần lớn trường MN “trắng” NVYT. Huyện Ba Tơ chỉ có 9/20 trường có NVYT theo diện hợp đồng; Minh Long 2/5 trường có NVYT; Sơn Hà 8/16 trường có NVYT. Riêng tại huyện Sơn Tây, toàn huyện có 10 trường MN, nhưng chỉ có duy nhất Trường MN Hương Cau có NVYT. Ông Lê Hoài Thạnh-Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, giải thích: “Điều kiện địa lý khó khăn, rất nhiều điểm trường lẻ nằm rải rác tại các xã vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, huyện còn gặp khó khăn lớn về cơ sở vật chất, thiếu thốn về phòng học nên chưa triển khai NVYT về các trường”.

 

Trẻ ở lứa tuổi mầm non cần được chăm sóc chu đáo để phát triển toàn diện.
Trẻ ở lứa tuổi mầm non cần được chăm sóc chu đáo để phát triển toàn diện.


Ở khu vực đồng bằng, mặc dù điều kiện thuận lợi hơn miền núi, song công tác y tế học đường cũng bị “bỏ ngỏ”. Đây là thực trạng đáng lo ngại trong hệ thống các trường mầm non ở tỉnh ta hiện nay. Theo Thông tư liên tịch số 22/2013/TTLT-BGDĐT-BYT của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, các trường MN phải có phòng y tế bảo đảm diện tích từ 12m2 trở lên, có tủ thuốc trang bị các loại thuốc thiết yếu; có ít nhất 1 giường khám bệnh và lưu trẻ mắc bệnh để theo dõi... Nhân viên làm công tác y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y trở lên thuộc biên chế chính thức của nhà trường.

Quy định là vậy nhưng chủ yếu “nằm trên giấy”, bởi thực tế nhiều trường “trắng” NVYT và “trắng” cả phòng y tế. Đối với một số trường có NVYT thì chủ yếu là kiêm nhiệm, hợp đồng. Ông Chế Thanh Vũ-Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành cho rằng: “Kinh phí chi trả không đủ nên chúng tôi không thể đáp ứng đủ NVYT cho các trường. Chúng tôi đã tham mưu lên UBND huyện nhiều lần nhưng vẫn chưa được quan tâm hỗ trợ kinh phí, tuyển dụng nhân viên”.

Không thể “ngó lơ”   

Việc thiếu NVYT ở các trường mầm non chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch bệnh cũng như hạn chế trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Nếu không được chăm sóc chu đáo, trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, cúm, các bệnh về răng miệng, tai nạn thương tích, sặc sữa, sặc cháo, hóc thức ăn hoặc đồ chơi... Đối với giáo viên kiêm nhiệm nhân viên y tế, do không được đào tạo chuyên môn nên lúng túng trong việc phát hiện các triệu chứng bệnh cũng như công tác sơ cứu ban đầu.

Ông Hồ Minh Nên-Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nhận định: “Cũng vì coi nhẹ công tác y tế học đường nên trong công tác phòng chống bệnh tại trường học còn nhiều bất cập. Công tác giám sát các ca bệnh chưa kịp thời dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh. Các trường cần thiết phải có NVYT”.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Hà-Trưởng Phòng GDMN (Sở GD&ĐT) cho rằng: “Không có NVYT trong trường học là điều rất thiệt thòi đối với trẻ. Sở GD&ĐT hằng năm đều tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh tại trường học cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác y tế trong trường học thì chính quyền các địa phương cần bố trí chỉ tiêu tuyển NVYT”. Thực tế cho thấy, không phải do thiếu nguồn để tuyển dụng vì hiện tại ngay trên địa bàn tỉnh nhiều sinh viên Trường CĐ Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm. Nguyên nhân chính bởi sự thiếu quan tâm của các ngành chức năng đối với hệ thống giáo dục mầm non.  
    

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.