Bài giải môn địa tốt nghiệp THPT 2014

10:06, 03/06/2014
.

 


Mời các bạn xem gợi ý bài giải môn địa thi tốt nghiệp THPT 2014.

 

Thí sinh đang làm thủ tục trước giờ thi môn địa lý tại HĐT trường THPT Marie Curie Q3, TPHCM chiều 3-6 - Ảnh: Như Hùng
Thí sinh đang làm thủ tục trước giờ thi môn địa lý tại HĐT trường THPT Marie Curie Q3, TPHCM chiều 3-6 - Ảnh: Như Hùng

ĐỀ THI MÔN ĐỊA LÝ

(Thời gian làm bài 90 phút)

Câu I. (2 điểm)

Vùng biển Việt Nam bao gồm những bộ phận nào? Trình bày tài nguyên khoáng sản và hải sản vùng biển nước ta.

Câu II. (3 điểm)

1) Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta?

2) Trình bày tình hình sản xuất lúa nước ở nước ta trong những năm qua. Tại sao năng suất lúa những năm gần đây tăng mạnh?

Câu III. (3 điểm)

Cho bảng số liệu:

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

(Đơn vị: Nghìn tỷ đồng)

 

Năm

2005

2008

2010

Đồng bằng sông Hồng

24,1

27,3

29,1

Đồng bằng sông Cửu Long

47,7

52,4

56,3

(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2011, NXB Thống kê, 2012)

1) Vẽ biểu đồ cột thể hiện giá trị sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

2) Nhận xét giá trị sản xuất nông nghiệp của hai đồng bằng.

Câu IV. (2 điểm)

Dựa vào các trang bản đồ Giao thông, Kinh tế chung của Atlat Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1) Cho biết quốc lộ 1 đi qua những vùng kinh tế nào?

2) Giải thích tại sao quốc lộ 1 là tuyến đường quan trọng nhất nước ta.

 BÀI GIẢI

Câu I:

* Vùng biển nước ta gồm 5 bộ phận:  Nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa 

* Tài nguyên khoáng sản và hải sản của vủng biển nước ta:

- Khoáng sản: Dầu khí (có trữ lượng lớn và giá trị nhất), hai bể dầu lớn nhất hiện nay là Nam Côn Sơn và Cửu Long. Các bãi cát ven biển có trữ lượng lớn titan, vùng ven biển còn thuận lợi cho nghề làm muối.  

- Hải sản: sinh vật giàu thành phần loài và có năng suất sinh học cao, nhất là ở ven bờ. Trong Biển Đông có tới trên 2000 loài cá, hơn 100 loài tôm, khoảng vài chục loài mực, hàng nghìn loài sinh vật phù du và sinh vật đáy.

Câu II:

1) Việc bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta là rất cần thiết vì:

- Các đảo và quần đảo tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo và thềm lục địa.

- Việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các đảo và quần đảo có ý nghĩa là cơ sở khẳng định chủ quyền của nước ta  đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo.

-  Mỗi công dân Việt Nam đều có bổn phận bảo vệ vùng biển và hải đảo của đất nước, cho hôm nay và các thế hệ mai sau.

-  Mỗi tấc đất biển đảo là do nhiều thế hệ cha ông đổ xương máu gìn giữ và để lại cho chúng ta, nên mỗi người Việt Nam đều có trách nhiệm bảo vệ.

2) Tình hình sản xuất lúa của nước ta trong những năm qua:

-Diện tích gieo trồng lúa tăng mạnh: 5,6 triệu ha (1980) lên 7,3 triệu ha (2005).

-Cơ cấu mùa vụ có nhiều thay đổi

-Năng suất tăng mạnh, đạt 49 tạ/ha/năm.

-Sản lượng lúa tăng nhanh: 11,6 triệu tấn (1980) và hiện nay lên trên dưới 36 triệu tấn. VN là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

-ĐBSCL là vùng sản xuất lúa lớn nhất nước, chiếm trên 50% diện tích, 50% sản lượng cả nước.

Năng suất lúa những năm gần đây tăng mạnh vì:

-Đường lối chính sách của Nhà nước thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

-Đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất.

-Áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

-Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật: thuỷ lợi, phân bón, thuốc trừ sâu…

-Nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu tăng cao.

Câu III.

1. Vẽ biểu đồ cột thể hiện giá trị sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Nhận xét giá trị sản xuất nông nghiệp của hai đồng bằng :

- Giá trị sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long gấp đôi Đồng bằng sông Hồng (số liệu dẫn chứng). Giá trị sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh hơn Đồng bằng sông Hồng (số liệu dẫn chứng).

- Giá trị sản xuất nông nghiệp của hai vùng luôn tăng qua các năm (số liệu dẫn chứng).

- Hai Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu của nước ta.

Câu IV:

1. Quốc lộ 1 đi qua các vùng kinh tế : Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Quốc lộ 1: đi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau) dài 2300km, là tuyến đường xương sống của cả hệ thống đường bộ nước ta, nối các vùng kinh tế (trừ Tây Nguyên) và hầu hết các trung tâm kinh tế của cả nước.

- Ý nghĩa:

Là tuyến giao thông huyết mạch, đi qua 6/7 vùng kinh tế (trong đó có 3 vùng kinh tế trọng điểm).

Là tuyến đường vận tải khối lượng hành khách và hàng hoá lớn nhất so với các tuyến khác.

 

Theo Tuổi Trẻ Online

 

 


.