Xuất khẩu lao động: Nơi vui, chỗ buồn

09:05, 17/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phải khẳng định rằng, chính sách xuất khẩu lao động (XKLĐ) là đúng đắn, phù hợp với giải pháp hỗ trợ người nghèo thoát nghèo. Nhiều người sau khi XKLĐ đã tích cóp, tạo dựng được cuộc sống khá giả. Tuy nhiên cũng không ít người đi XKLĐ gặp rủi ro, phải trở về địa phương với hai bàn tay trắng, nợ nần chồng chất. Chuyện trái ngược bội thu - thất thu trong XKLĐ này xảy ra ở hai xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) và Trà Thanh  (Tây Trà).

TIN LIÊN QUAN

Khá lên nhờ xuất ngoại

Với hơn 50 người đi XKLĐ, thôn 1, xã Nghĩa Lâm đã trở thành nơi có số người XKLĐ nhiều nhất huyện Tư Nghĩa. Không chỉ một, mà nhiều gia đình còn có từ 2 - 3 người tham gia lao động tại nước ngoài. Diện mạo thôn 1 cũng nhờ thế mà thay đổi từng ngày. Ông Võ Năm - Trưởng thôn 1 chỉ những ngôi nhà khang trang mọc san sát, trầm trồ: “Từ đầu đến cuối con đường này, hầu như nhà nào cũng có người đi làm việc tại Hàn Quốc”.

 

Nhờ nguồn tích lũy sau khi đi XKLĐ, anh Nguyễn Quốc Trưởng đã mở xưởng cưa với nhiều máy móc hiện đại.                    Ảnh: Ý THU
Nhờ nguồn tích lũy sau khi đi XKLĐ, anh Nguyễn Quốc Trưởng đã mở xưởng cưa với nhiều máy móc hiện đại. Ảnh: Ý THU


Khoảng 7 năm về trước, từ 2 - 3 người đầu tiên của thôn đi XKLĐ tại Hàn Quốc cho đến nay, toàn thôn đã có hơn 50 người rời làng ra nước ngoài làm việc.  Vốn là dân gốc rạ, quanh năm quen ruộng đồng, nhưng người dân nơi đây vẫn mạnh dạn học tiếng Hàn để tìm hướng mưu sinh mới.

Ở thôn 1, việc gia đình có người đi XKLĐ đã không còn là chuyện hiếm. Nhiều gia đình có đến 2 - 3 người cùng khăn gói sang nước ngoài làm việc. Như  gia đình ông Hồ Được, nhà có 4 người con thì cả 4 cùng sang Hàn. Lúc đầu, chỉ có 2 người con trai XKLĐ theo sự hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH. Rồi sau đó, khi hai người con trai về nước, thì đến lượt hai người con gái là chị Hồ Thị Bông và Hồ Thị Thu Thủy cũng sang Hàn Quốc làm việc. Không giấu được niềm vui, ông Hồ Được phấn khởi: “Con tôi qua đó cũng làm nông thôi. Nhưng công việc ổn định, thu nhập khá lắm! Căn nhà này cũng do hai đứa con gái gửi tiền về cho tôi xây. Chứ tôi là bệnh binh, tiền đâu mà xây nhà được ngần này”.

Không riêng gì gia đình ông Hồ Được, mà ông Huỳnh Bảo Tâm, ông Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Mậu Phụng… cũng đều có đến hai con đi XKLĐ. Ở thôn 1, ai đã đi XKLĐ thì hầu hết đều tích lũy được số vốn kha khá và về quê hương thực hiện tiếp những ước mơ còn dang dở. Người mở quán kinh doanh, người mở xưởng cưa, mua xe tải vận chuyển hàng hóa… Chuyện làm ăn của họ khiến không khí yên ắng của vùng quê nghèo trở nên nhộn nhịp, sầm uất.

“Khoảng 7 năm trở lại đây, số người dân thôn 1 đi XKLĐ không ngừng tăng. Với mức thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng, có trường hợp thu nhập đến 43 triệu đồng/tháng, nên sau 3 năm XKLĐ, phần lớn  đều xin gia hạn thêm thời gian để tiếp tục làm việc tại nước bạn. Cũng nhờ tham gia XKLĐ mà kinh tế các gia đình thôn 1 ngày càng nâng cao”, ông Trần Ngọc Năng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho biết.

Đìu hiu ngày về...


Đó là chuyện xảy ra ở xã Trà Thanh (Tây Trà). Từ năm 2011 đến nay Trà Thanh có 8 thanh niên tham gia XKLĐ. Riêng năm 2013 có 4 lao động xuất khẩu sang Malaysia. Tất cả họ XKLĐ theo diện hưởng chính sách Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, đến nay có 4 lao động xuất khẩu trở về nước khi chưa hết thời hạn lao động ghi trong hợp đồng.

Ông Hồ Xuân Bạn – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thanh cho biết, nguyên nhân các lao động này phải về nước trước thời hạn là do công ty bên Malaysia bị phá sản, không còn việc làm. Hiện tại, các khoản vay để làm thủ tục XKLĐ họ chưa trả được. “Chính quyền phải can thiệp, giúp các lao động trở về trước thời hạn làm thủ tục gia hạn nợ vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Mỗi lao động nợ tới 25 triệu đồng chứ ít đâu!”.

Sau khi các lao động này trở về, họ lại tiếp tục phát rẫy trồng keo, trồng mì, chăn nuôi bò. Cuộc sống của họ khó khăn hơn khi chưa XKLĐ. Bởi, họ phải gầy dựng lại với hai bàn tay trắng và còn khoản nợ khá lớn phải trả trong nay mai. “Thu nhập từ trồng keo thì 5 năm mới có, làm lúa rẫy may lắm chỉ đủ gạo ăn. Khó khăn làm sao mà tránh khỏi” – ông Hồ Xuân Bạn nói hộ nỗi lòng của các lao động xuất khẩu bất đắc dĩ phải trở về địa phương sớm hơn thời hạn.

Trong 4 lao động ở Trà Thanh trở về nước sớm, có một  trường hợp rất cá biệt là chị Hồ Thị Thế. Chị Thế sang lao động ở Malaysia vào đầu năm 2013, làm việc cho một doanh nghiệp chuyên in ấn. Do không chịu nổi cường độ lao động từ 60 – 80 giờ mỗi tuần, cộng với kỷ luật lao động nghiêm khắc, chị Thế bỏ trốn. Sau nhiều ngày đi bộ, chị đến biên giới Thái Lan mà không hề hay biết. Sau đó bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Hơn một tháng trời bị giữ ở biên giới, chị Thế được cảnh sát Thái Lan đối xử tốt và tìm cách liên lạc với người thân ở Trà Thanh để làm thủ tục đưa chị trở về nhà.

Ông Hồ Xuân Bạn – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thanh thừa nhận, đúng là lao động tham gia xuất khẩu bỏ về nước trước thời hạn là vi phạm hợp đồng. Việc này là không nên. Tuy nhiên, hết cách người lao động mới làm thế. Giả sử trong tình thế khó khăn, người lao động được trợ giúp kịp thời tìm việc ở doanh nghiệp khác hoặc khi người lao động có hành vi vi phạm thông báo cho địa phương để có biện pháp can thiệp, giáo dục, sẽ tránh được những đáng tiếc xảy ra.

Từ thực tế trên đặt ra vấn đề hiện nay là các cấp, ngành và địa phương ở tỉnh cần ngồi lại để bàn cách, thực hiện các giải pháp để phát triển hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài một cách bền vững. Trong đó cần coi trọng công tác quản lý, giám sát hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động khi tham gia XKLĐ. Đồng thời chú trọng việc định hướng nghề nghiệp, thị trường và đào tạo nâng cao trình độ cho người tham gia XKLĐ để chủ động tạo nguồn lao động có chất lượng theo yêu cầu của thị trường. Qua đó vừa giúp người lao động có cơ hội “đổi đời” sau khi tham gia XKLĐ, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Ý THU- THANH NHỊ
 


.