Trường tỉnh từng bước "hút" thí sinh

09:05, 31/05/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Mùa tuyển sinh năm nay, hai trường đại học trên địa bàn tỉnh là Phạm Văn Đồng và Tài chính Kế toán có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi cao hơn mọi năm. Điều ấy cho thấy, sự thay đổi tích cực trong công tác định hướng nghề nghiệp và chọn trường phù hợp với năng lực của thí sinh.

TIN LIÊN QUAN

Học sinh đã biết định hướng
 
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay, phần lớn các trường đều có lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) giảm, nhưng hai trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì ngược lại.
 
Trường ĐH Phạm Văn Đồng có 2.645 hồ sơ ĐKDT, trong đó ĐH là 1.568 hồ sơ, CĐ 986 hồ sơ, tăng 165 hồ sơ so với mùa tuyển sinh năm 2013. Khối A có số lượng hồ sơ cao nhất là 1.405 hồ sơ, A1 231 hồ sơ và D1 477 hồ sơ thuộc các ngành như: sư phạm Vật lý, sư phạm Ngữ văn, tiếng Anh, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cơ khí.
 
Ở bậc CĐ, các ngành như giáo dục tiểu học, mầm non có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường tăng đột biến. Ngoài ra, tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng theo báo cáo của Sở GD&ĐT, nhà trường còn có số lượng lớn hồ sơ thí sinh dự thi ở các trường khác chuyển về xét nguyện vọng bổ sung.
 
Thầy Bùi Xuân Hướng- Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường ĐH Phạm Văn Đồng lý giải: Do nhu cầu việc làm của hai ngành mầm non và tiểu học ở các địa phương tăng trong những năm gần đây nên các em cũng mạnh dạn chọn ngành này.

 

Thí sinh về dự thi tại Trường ĐH Phạn Văn Đồng năm 2013.
Thí sinh về dự thi tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng năm 2013.
 
Mặt khác, tại Quảng Ngãi hiện có nhiều khu công nghiệp nên nhu cầu tuyển dụng những ngành nghề như cơ khí chế tạo, điện tử thu hút học sinh đăng kí dự thi. Điều ấy cho thấy, sự thay đổi tích cực trong công tác định hướng nghề nghiệp và chọn trường phù hợp với năng lực của thí sinh.
 
Nhiều thí sinh có học lực trung bình đã nhận ra, đại học không phải là con đường duy nhất nên đã chọn lối đi khác. Tình trạng cử nhân, kỹ sư, thậm chí là thạc sỹ thất nghiệp tràn lan nên thí sinh suy tính kỹ khi thi vào đại học. 
 
Bên cạnh đó, công tác phân luồng, hướng nghiệp tuyển sinh, giúp học sinh và phụ huynh tự đánh giá khả năng học tập của mình cùng với công tác dự báo về nguồn nhân lực của các khối ngành, trình độ đào tạo cũng góp phần thay đổi nhận thức trong đăng kí dự thi của thí sinh.
 
“Năm nay, Bộ bỏ điểm sàn, thay vì mức điểm tối thiểu nên trường sẽ chọn mức điểm hợp lý để đảm bảo chỉ tiêu, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào”- thầy Hướng nói.
 
Xu hướng chọn trường gần nhà, phù hợp với năng lực được thể hiện rõ nét. Tương tự, Trường ĐH Tài chính Kế Toán nhận được 1.467 hồ sơ, tăng 151 hồ sơ so với năm 2013. 
 
Dù được cảnh báo về số lượng dư thừa nguồn nhân lực các ngành kinh tế, nhưng số lượng hồ sơ ĐKDT vào trường vẫn ổn định, bởi đây là trường chuyên đào tạo các nhóm ngành này. Cùng với đó, theo nhận định của các chuyên gia tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau 3-4 năm nữa nên thí sinh “đón đầu”.
 
“Cùng với số lượng hồ sơ ĐKDT ổn định, kỳ vọng của trường là chất lượng đầu vào sẽ tăng lên. Bởi năm nay, tỉ lệ học sinh khá, giỏi dự thi vào trường cũng tăng so với mọi năm.
 
Nỗ lực trong công tác đào tạo
 
Không chỉ hồ sơ của thí sinh trong tỉnh mà hai trường còn thu hút thí sinh ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên ĐKDT ở các nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật. Điều này chứng tỏ, hai nhà trường đã và đang khẳng định chất lượng giáo dục của mình.
 
Thời điểm này, các trường đều tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên, đổi mới giáo trình, giáo án... để thu hút thí sinh bằng chất lượng, ngành nghề mới. Hiện tại, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên của hai trường đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, đảm bảo yêu cầu đào tạo có chất lượng.
 
Cùng với hệ thống phòng thực hành đầy đủ, 1 trung tâm thông tin tư liệu với 27.398 đầu sách, 1 thư viện điện tử đủ phục vụ cho cán bộ, giảng viên và sinh viên học tập, nghiên cứu, nhà trường còn có giảng đường ở các khu học tập; ký túc xá, đáp ứng hơn 1.400 chỗ ở cho sinh viên.

 

Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Tài chính Kế toán,
Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Tài chính Kế toán,
 
Thực tế trong các kỳ tuyển sinh những năm qua cho thấy, trường ĐH Phạm Văn Đồng đang thu hút ngày càng nhiều thí sinh. Đó là kết quả của quá trình đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng đào tạo liên thông.
 
Năm nay, cùng với 3 ngành cũ là Kế toán, Quản trị Kinh doanh và Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Tài chính Kế toán mở hai ngành mới là Kiểm toán và Kinh doanh Quốc tế. Nhà trường còn có kế hoạch mở thêm ngành Luật Kinh tế trong thời gian sớm nhất, để đáp ứng nhu cầu cầu xã hội. 
 
Trường tổ chức đào tạo tốt, áp dụng phương pháp học tập tốt cho sinh viên, mời các chủ doanh nghiệp, ngân hàng về nói chuyện chuyên đề cho sinh viên. Đồng thời, trên cơ sở số liệu từ các doanh nghiệp, ngân hàng cung cấp, nhà trường đã “kéo thực tế về trường” bằng việc xây dựng Bộ Thực hành cho sinh viên thực tập ngay tại trường thay vì cho các em đi thực tập ở các nơi khác.
 
Thầy Bùi Phụ Anh chia sẻ: Cho các em đi thực tập tự do không mang lại hiệu quả như mong đợi, bởi hình thức ấy chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”, vì các em rất khó thu thập được số liệu từ các đơn vị đến thực tập. Kinh nghiệm mà trường rút ra là hầu hết các em đều copy báo cáo từ các sinh viên năm trước, thay vì thế, mình cho các em thực tập bằng Bộ Thực hành hiệu quả gấp nhiều lần.
 
Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức ngành học linh động theo nhu cầu xã hội. Sau một năm học đại cương, Trường cho các em đăng ký ngành học lại theo nhu cầu từ bản thân, gia đình các em và nghe ngóng từ nhu cầu xã hội.
 
Quan điểm đào tạo của trường là “Giữ truyền thống và đào tạo theo thế mạnh của mình. Lấy người học làm trung tâm”- thầy Anh bộc bạch.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 

.