Tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh dân tộc vùng khó

09:05, 14/05/2014
.

Sáng 13/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã chủ trì Hội nghị về trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) toàn quốc.

 

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị


Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Triệu Thị Nái; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Sơn Phước Hoan.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) - báo cáo: Mô hình trường PTDTBT ra đời từ năm học 2010 - 2011 nhưng khi đó chỉ có 2 tỉnh thành lập được 127 trường.

Đến nay, sau gần 4 năm, toàn quốc đã có 26 tỉnh thành lập được 797 trường trường PTDTBT với qui mô 128.645 HS. Hai tỉnh Quảng Ngãi và Đắk Nông đang trong quá trình điều tra, khảo sát để thành lập trường PTDTBT.

Hầu hết các trường đều tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh ngày 3 bữa. 15.574 giáo viên tham gia công tác giảng dạy; trong đó 6.930 giáo viên là người dân tộc thiểu số; giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm gần 90%.

Nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp, cùng với hàng loạt giải pháp đồng bộ nên chất lượng giáo dục trong các trường PTDTBT toàn quốc đã được nâng cao.

Không chỉ dừng lại ở việc duy trì sĩ số, tỉ lệ học sinh yếu kém giảm, tỉ lệ khá giỏi tăng cao. Ở bậc Tiểu học, xếp loại học lực khá giỏi chiếm 46,6%. Học sinh bỏ học chỉ còn 0,1%. Với học sinh THCS tỉ lệ khá giỏi toàn quốc là 21,5%.

Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực đầu tư nên cơ sở vật chất hiện chưa đáp ứng được với qui mô, nhu cầu dạy và học cũng như công tác bán trú.

Toàn quốc có 4.794 phòng ở nội trú cho học sinh nhưng phòng ở tạm vẫn chiếm tới 40%. 21% giường ngũ của HS cũng là giường tạm, không đảm bảo an toàn; 38% nhà vệ sinh và 64% công trình nước sạch chưa đạt chuẩn; 61% nahf bếp không đảm bảo yêu cầu.

Ghi nhận tại Hội nghị, đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, các trường PTDTBT đã chia sẻ kinh nghiệm nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, đưa ra những đề xuất với mong muốn loại hình trường học này được quan tâm và đầu tư hơn nữa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học cho con em đồng bào dân tộc ít người ở vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt trong việc tạo nguồn nhân lực cho các địa phương.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai Huỳnh Minh Thuận chia sẻ: Việc phát triển hệ thống trường PTDTBT là nhu cầu cấp thiết đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, góp phần quan trọng trong việc huy động và duy trì sĩ số, giảm tỉ lệ bỏ học, đi học không chuyên cần; giải quyết việc học sinh không phải bỏ học theo cha mẹ lên nương rẫy khi tới mùa vụ, góp phần phát triển giáo dục bền vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tăng cường các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, đầu tư phòng ở, nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch… biên chế cán bộ nấu ăn cho các trường cũng được các địa phương đề cập…

Sau khi nghe ý kiến của các địa phương cũng như phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Triệu Thị Nái; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã ghi nhận thành quả ban đầu của hệ thống trường PTDTBT:

Hệ thống trường PTDTBT phát triển tại 26 tỉnh sau gần 4 năm phát triển rất nhanh, góp phần thay đổi diện mạo giáo dục Việt Nam, tăng tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, giảm tỉ lệ bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS có chất lượng ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần tạo nguồn cán bộ cho các địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt giữ vững an ninh quốc phòng.
 

Theo Việt Hoa/GD&TĐ


.