Gian truân đời công nhân- Kỳ 3: Xây dựng nhà ở cho công nhân - "bài toán" khó

02:05, 11/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những nội dung trong Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ “Đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” đó là định hướng xây dựng nhà ở cho công nhân. Thế nhưng, hiện hầu hết các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh “trắng” nhà ở cho công nhân. 
 
 
Nơi thừa, nơi thiếu

Quảng Ngãi là địa phương mới nổi trong thu hút đầu tư, cũng như giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Theo thống kê, hiện ở các KCN, KKT và Cụm công nghiệp làng nghề có hơn 20 ngàn lao động đang làm việc. Trong số đó có đến hơn 1/2 thuê nhà trọ ở làm việc.  
 

 

Nhà ở công nhân của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Nhà ở công nhân của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.


Anh Nguyễn Văn Hoàng làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất cho biết: “Nếu có nhà ở cho công nhân xây dựng tại địa bàn công ty hoạt động thì tốt. Không có nhà ở nên sáng đi chiều về, rất vất vả. Hồi trước tôi có thuê trọ ở gần công ty, nhưng phức tạp quá. Phòng trọ thì nắng nóng, rồi trộm, cướp và đánh nhau liên miên, nên mình trả phòng trọ và chọn phương án đi về trong ngày”.

Tại KKT Dung Quất hiện có hơn 110 doanh nghiệp hoạt động với hàng ngàn công nhân làm việc. Trong đó chỉ có Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty Doosan Vina xây dựng khu chung cư cho công nhân. Thế nhưng, điều nghịch lý là hiện nay hai khu chung cư trên với hơn 2.000 chỗ ở, nhưng chỉ có hơn ½ là có công nhân ở. Số còn lại cũng rơi vào cảnh “chợ chiều” dù được đầu tư xây dựng khá bài bản.

Theo ông Phạm Hùng - Phó Phòng Quản lý doanh nghiệp - Văn xã, KKT Dung Quất thì nguyên nhân là do đa phần công nhân hai công ty trên chưa có nhu cầu ở. “Những doanh nghiệp lớn như Doosan Vina hay lọc hóa dầu Bình Sơn thì công nhân có thu nhập tương đối cao, nên thường chọn cách đi về vừa khỏe lại vừa gần gia đình và thuận tiện mua sắm, vui chơi. Chứ ở đây chỉ được nhà ở chứ chẳng có nơi mua sắm, giải trí. Trong khi nhóm đáng lo ngại nhất chính là những công ty vừa và nhỏ. Người lao động thu nhập thấp, mong muốn có nhà ở nhưng lại không có. Người cần thì không có, mà người không cần thì có. Đó là nghịch lý, nhưng không thể đưa công nhân công ty này vào ở trong chung cư của công ty khác được. Nếu như việc quản lý những khu nhà ở này mang tính chất cộng đồng thì tốt. Đằng này do doanh nghiệp quản lý, nên chuyện thừa thì có thừa, mà thiếu thì có thiếu là vậy” – ông Hùng nói.

Khó thực hiện

Trong khi nhu cầu nhà ở cho công nhân là vô cùng cấp thiết. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn không thực sự mặn mà với việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Bởi hầu hết đều cho rằng để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân đúng nghĩa thì số tiền đầu tư vào không phải là nhỏ. Trong khi đó giá cho thuê thì quá thấp, sẽ khó cho doanh nghiệp thu hồi được vốn đã bỏ ra trong khoảng thời gian nhất định.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Lê Hồng Hà -Phó ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng: “Muốn xây dựng một khu nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp tốn kém hàng chục tỷ đồng. Vậy mà khi cho công nhân thuê, doanh nghiệp chỉ thu vài trăm ngàn đồng/công nhân/tháng. Như vậy, phải đến vài chục năm doanh nghiệp mới thu hồi được vốn đầu tư. Chính vì vậy mà khó kích thích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Chúng ta cần phải có những chính sách khác, chứ doanh nghiệp ít tính đến chuyện làm nhà ở cho công nhân thuê lắm!”.

Không phủ nhận chuyện “né” xây nhà ở cho công nhân, giám đốc một doanh nghiệp ở KKT Dung Quất thú thật: “Nếu không vì trách nhiệm đối với công nhân, chắc chắn không một doanh nghiệp nào đầu tư xây nhà ở cho công nhân. Bởi doanh nghiệp nào bỏ vốn ra mà không muốn thu hồi lãi? Trong khi bỏ vốn hàng chục tỷ đồng, thu hồi lại với đồng tiền teo tóp, thì làm sao doanh nghiệp có lãi. Hiển nhiên doanh nghiệp rất ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này”.

Không nói chi đến nhà ở của doanh nghiệp, ngay cả người dân xây phòng trọ cho thuê quanh các KCN, KKT đều bảo, đầu tư xây phòng khoản tiền quá lớn nên chỉ xây dựng ở mức vừa túi tiền xây dựng và túi tiền người đi thuê. “Xây phòng ốc ngon lành, có la phông, có nhà vệ sinh thì ngốn hết hơn chục triệu đồng. Phòng sẽ rất tươm tất nhưng công nhân lại ngại thuê bởi giá cao. Nên xây phòng vừa giá tiền đôi bên mà lại hay” – ông Hồ Minh Sang, chủ dãy phòng trọ ở thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong  cho biết.

Xây dựng nhà ở cho công nhân đang là một áp lực đối với tỉnh ta trước nhu cầu ngày càng cao của công nhân, nhất là đối với tốc độ công nghiệp phát triển như hiện nay. Do đó, đòi hỏi Nhà nước sớm thể chế hóa chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở để góp phần tạo điều kiện cho người lao động tại các KCN, KKT có chỗ ở ổn định, để họ  “an cư, lạc nghiệp”.

 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.