Dựng chòi gieo chữ...

06:04, 02/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xã vùng cao Sơn Lập thuộc huyện nghèo Sơn Tây được thành lập đến nay đã 15 năm.  Sự nghiệp gieo chữ, “trồng người” trải qua chặng đường dài ấy đã có nhiều đổi thay, tiến bộ. Thế nhưng chỉ có một điều: “Nhà công vụ giáo viên” chừng ấy năm vẫn chưa được chăm lo đúng mực.

TIN LIÊN QUAN

 
15 năm ở… chòi!

Nơi ở của 4 thầy giáo: Đinh Hồng Dăn, Đinh Văn Tứa, Đinh Văn Muông, Đinh Văn Triểu – giáo viên Trường Tiểu học và THCS Sơn Lập là 4 ngôi nhà sàn thấp lè tè. Gọi là nhà vậy thôi chứ thực ra nó chỉ như cái chòi lúa của đồng bào Hrê.

Bốn thầy giáo sớm tối trong 4 cái chòi do họ tự bỏ công sức đốn cây về dựng. Các thầy giáo này quê ở các xã vùng cao Sơn Hà, đoạn đường từ nhà đến trường ngắn nhất cũng gần 70 km, xa nhất ngót cả 100km. Vì thế, cứ cuối tuần về nhà, 3 giờ sáng thứ hai lại đi xe máy lên Sơn Lập, ở cả tuần trong chiếc chòi lá ấy. Các vật dụng thiết yếu chỉ có mấy cái nồi, cái chiếu, không bàn, chẳng ghế. Các thầy cứ ngồi trên chiếu mà soạn bài…

“Đợi mãi không thấy được cấp phòng công vụ giáo viên, mình tự làm cái chòi để ở. Tưởng rằng chỉ là ở đỡ thôi, ai dè ở tới 15 năm rồi!” – thầy giáo Đinh Văn Tứa cho biết. Vì làm tạm bợ, mỗi lúc mưa to, gió lớn, chòi cứ đưa theo gió kêu răng rắc.

Nhắc lại cơn lũ lịch sử hồi tháng 11.2013, nỗi sợ hãi còn hiện rõ trên nét mặt các thầy. Các thầy bảo, khi mưa lớn, nước nguồn đổ về như thác, chỉ kịp ôm lấy cặp giáo án, vài bộ quần áo chạy thục mạng sang nhà dân trú nhờ. “Sợ chòi sập quá! Chỉ có mấy viên ngói bị rơi, vách xiêu thôi. Lũ xong mình đốn cây dựng lại” – thầy Tứa nhớ lại.

 

Thầy Đinh Văn Tứa trước
Thầy Đinh Văn Tứa trước "ngôi nhà" tự làm để ở, dạy học.

Nói về nhà công vụ, các thầy Tứa, Dăn, Triểu, Muông đều ước nguyện: Mong cái nhà công vụ nhiều lắm. Ấm cúng, vững chãi, an toàn, có điều kiện mua chiếc tivi xem, đóng cái bàn để ngồi soạn giáo án…
 
Lắng nghe và chia sẻ


Trường Tiểu học và THCS Sơn Lập có tất cả 30 cán bộ, giáo viên. Trong đó có 5 giáo viên đã tìm được “tổ ấm” tại địa phương nên nhà trường không phải lo chỗ ở. 25 giáo viên còn lại, nhà ở tận Bình Sơn, Nghĩa Hành, Sơn Hà lên đây công tác đều có nhu cầu ở nhà công vụ.

Thế nhưng, hiện tại trường chỉ có 2 phòng công vụ, diện tích mỗi phòng hơn 10m2, theo “chuẩn” sẽ bố trí 4 giáo viên ở nhưng đã “giải quyết chỗ ở” cho 10 thầy giáo. Chật hẹp đến nỗi vật dụng như quần áo, xe máy đều phải để… ngoài phòng. Đã vậy, mái tôn bị hư hỏng nhiều chỗ, nắng, mưa cứ “tự nhiên vào phòng”, nhưng vẫn chưa được sửa chữa.

Chuyện chỗ ở của các nữ giáo viên Trường Tiểu học và THCS Sơn Lập còn bức xúc hơn. Hằng ngày, sau tiết dạy, các cô rời trường về nơi ở là một phòng học chủ đích xây cho trẻ em vùng khó, xa trung tâm xã học, nhưng được tận dụng một phần làm cho các cô. Nơi ở vắng vẻ, chỉ có tiếng chim hót và suối chảy. Để giúp nhau vượt qua nỗi nhớ nhà, mỗi đêm các cô lại kể cho nhau nghe chuyện nhà, chuyện trường, chuyện lớp. Cho đến lúc nào hết chuyện thì ôm nhau ngủ.

Vấn đề nhà công vụ cho giáo viên Trường Tiểu học và THCS Sơn Lập, UBND xã Sơn Lập đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Trong các đợt tiếp xúc cử tri, nhân dân xã Sơn Lập đã kiến nghị xây thêm phòng ở cho các thầy, cô giáo để các thầy cô bớt khó khăn.

Trả lời kiến nghị này, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Sơn Tây cho biết: “Theo đề án kiên cố hóa trường học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 – 2012, Trường Tiểu học và THCS Sơn Lập được bố trí 5 phòng, nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ xây được 2 phòng nên chưa đáp ứng được chỗ ở cho giáo viên”. Còn chuyện khi nào xây tiếp 3 phòng còn lại trong kế hoạch thì vẫn chưa có câu trả lời.

Mỗi ngày trôi qua lại thêm một ngày thầy cô nơi vùng khó Sơn Lập phải đối mặt với thiếu thốn, thiệt thòi vì không có nhà công vụ. Ngành giáo dục Quảng Ngãi và huyện Sơn Tây xin hãy lắng nghe, thấu hiểu và sớm sẻ chia với giáo viên của mình, để họ có điều kiện an tâm bám trường, gieo chữ…

 


Bài, ảnh: THANH NHị


.