Suy dinh dưỡng: Rào cản lớn trong phổ cập giáo dục mầm non ở miền núi

08:03, 24/03/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Để phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMM) cho trẻ 5 tuổi, cùng với sự phát triển về trí tuệ, trẻ còn phải phát triển toàn diện về thể chất, nhằm chuẩn bị tâm thế tốt bước vào lớp 1. Tuy nhiên, tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) ở các huyện miền núi đang là rào cản công tác PCGDMM.

TIN LIÊN QUAN

Những bữa cơm trắng
 
Chúng tôi có dịp đến đúng vào giờ ăn trưa của học sinh mầm non ở thôn Hà Riềng, xã Trà Phong (Tây Trà), nhìn những em bé đang tụm năm tụm ba ngồi dưới nền ăn bát cơm trắng với mắm, muối, có em thì ăn khoai lang luộc mới thấy sự kham khổ của trẻ em vùng cao đến chừng nào. Đó cũng là thực tế bữa ăn của trẻ em ở nhiều trường mầm non bán trú dân nuôi trên địa bàn 6 huyện miền núi trong tỉnh.
 
Cô giáo Lương Thị Thanh Tuyền- Phó Hiệu trưởng Trường mầm non xã Trà Phong ngậm ngùi: “Ở miền xuôi, trẻ con được các bậc phụ huynh chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ, mỗi ngày năm ba bịch sữa, còn cơm trắng với muối, với rau là bữa ăn thường ngày của bao học sinh vùng cao”.

 

Cơm trắng với muối- bữa ăn thường ngày của
Cơm trắng với muối- bữa ăn thường ngày của bao trẻ mầm non ở vùng cao.
 
Cũng theo cô Tuyền, các em đi học bán trú dù bữa ăn trưa đạm bạc, nhưng còn đỡ hơn nhiều so với việc học một buổi. Sau mỗi đợt nghỉ Tết, khi đi học trở lại em nào cũng xuống cân. Phụ huynh ở đây đa số là hộ nghèo nên bữa ăn thường chỉ có rau, muối, mì tôm, lâu lâu mới có bữa thịt, cá.
 
Bữa ăn trưa ở trường đạm bạc là thế, bữa ăn thường ngày ở nhà cũng chẳng khá hơn. Đến nhà chị Hồ Thị Chi ở thôn 3 xã Trà Thuỷ (Trà Bồng), chúng tôi lại tận mắt chứng kiến bữa cơm trưa của gia đình cũng chỉ có cơm trắng với muối và mắm. 
 
Theo chị Chi, có khi cả tuần chị mới mua cho mỗi đứa 1 hộp sữa nhỏ (khoảng 110ml), có tuần chẳng có hộp nào. Vì ăn uống thiếu chất nên 3 cháu nhà chị đều gầy còm, da xanh xao. Đứa lớn nhất đang là học sinh lớp 3, nhưng cân nặng chỉ vỏn vẹn chưa đầy 16kg, đứa thứ hai đã 4 tuổi cũng chỉ 12kg và đứa nhỏ nhất 11 tháng tuổi cũng không khá hơn là mấy, chỉ có 7kg.
 
Gian nan phổ cập
 
Để phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào năm 2015, bậc học mầm non phải huy động 90% trở lên số trẻ em 5 tuổi ra lớp, trong đó có ít nhất 80% số trẻ trong độ tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non (mẫu giáo 5 - 6 tuổi), 100% số trẻ em mẫu giáo 5 tuổi dân tộc thiểu số ra lớp được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1; tỷ lệ chuyên cần của trẻ đạt 80% trở lên), đặc biệt tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi đều không quá 10%.
 
Thầy Phạm Sơn- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà lo lắng: “Mỗi khi Nhà nước đưa ra một chỉ tiêu hay quy định gì liên quan đến công tác giáo dục mình lo lắm! Tây Trà là huyện nghèo nhất nước, trong khi người dân còn chưa tự lo cho mình được cái ăn nói chi đến bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng”.

 

Bậc học mầm non
Để PCGDMN, cùng với sự phát triển về trí tuệ, trẻ còn phải phát triển toàn diện về thể chất.
 
Hiện nay, công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn huyện rất khó khăn. Khó nhất là việc trẻ em nhẹ cân, thấp còi chiếm tỷ lệ cao. Hiện ở huyện Tây Trà có rất nhiều điểm trường trong địa bàn huyện chưa thể mở lớp bán trú được do thiếu phòng học, nhiều nơi còn học nhờ, học tạm nhà dân, phòng học tranh tre nứa lá.
 
Không chỉ ở huyện Tây Trà mà các huyện miền núi khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Tuy tình trạng này được cải thiện đáng kể nhờ tổ chức học bán trú nhưng vẫn còn khá cao. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Tây Trà hiện nay là 30,92%; Minh Long 30,68%; Trà Bồng 20,73%; Sơn Tây 19,92%; Sơn Hà 16,31% và Ba Tơ 13,66%.
 
Theo thầy Sơn, để cải thiện tình trạng này, không còn cách nào khác là cho trẻ 2, 3, 4, 5 tuổi học bán trú. Để làm được điều này thì cần cơ sở vật chất. Những nơi không tổ chức được bữa ăn bán trú thì vận động bố mẹ mang bữa ăn trưa theo cho con, từ đó quản lý được trẻ học 2 buổi/ngày để tăng cường tiếng Việt cho trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. 
 
Bậc học mầm non không đơn thuần là nơi trông giữ trẻ mà còn đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ... của trẻ. Vì vậy, nâng cao chất lượng dạy và học bậc mầm non là nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình đổi mới và phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Để đạt mục tiêu nói trên thì trách nhiệm không chỉ của riêng ngành giáo dục mà cần có sự chung sức chính quyền các địa phương, của cả cộng đồng xã hội.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.