Khi giáo viên trở thành... y tá

02:03, 02/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiệm vụ chính của giáo viên là đứng lớp giảng dạy. Thế nhưng, ở một số trường miền núi thầy, cô giáo trở thành nhân viên y tế bất đắc dĩ khi có học sinh ốm đau ở trường.  

TIN LIÊN QUAN

Trường Tiểu học Sơn Mùa (Sơn Tây) dù đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng vấn đề y tế học đường ở đây thì chưa đạt chuẩn. Cô giáo Trần Thị Thùy Trang, vừa đứng lớp vừa được phân công phụ trách công tác y tế của trường nên thỉnh thoảng khi đang giảng dạy mà có học sinh bị đau bụng hay trúng gió thì cô phải bỏ lớp để lo sơ cứu. Những lúc khẩn cấp, việc sơ cứu vội vàng, có khi tay còn dính phấn phải đi lấy dụng cụ sơ cứu, lấy thuốc cho học sinh uống. Với những triệu chứng bình thường, những bệnh thường gặp thì mình chỉ làm theo kinh nghiệm, rồi cấp thuốc cho uống. Còn bệnh nặng thì mình không có chuyên môn nên cũng chẳng biết làm thế nào.

 

Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho học sinh miền núi là rất cần thiết
Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho học sinh miền núi là rất cần thiết


Thầy giáo Trương Tiểu Duy, phụ trách Đội cũng được phân công kiêm nhiệm vấn đề y tế của trường đã 2 năm qua, chia sẻ: Vì không có chuyên môn về y tế nên việc xử lý các trường hợp sơ, cấp cứu ban đầu cho học sinh cũng khiến anh lúng túng. Chẳng hạn, khi học sinh bị tai nạn có vết thương nặng thì rất khó xử lý sơ cứu, hoặc sợ mình cho học sinh uống nhầm loại thuốc. “Chúng tôi rất lo lắng với nhiệm vụ bất đắc dĩ của mình”, thầy Duy nói.

Huyện Sơn Tây có 26 đơn vị trường học, trong đó có đến 60 điểm trường lẻ. Thực tế hiện nay, không có trường nào đạt chuẩn quốc gia được bố trí nhân viên y tế chuyên trách. Các trang thiết bị y tế, tủ thuốc học đường cũng rất thiếu. Có chăng cũng chỉ những loại thuốc thông thường như đau bụng, đau đầu, thuốc sát trùng vết thương… Theo ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây thì khó khăn này là do thiếu biên chế để tuyển nhân viên y tế chuyên trách và kinh phí dành riêng cho chương trình y tế học đường. Việc khắc phục những khó khăn trên sẽ giúp các trường học đảm bảo được chất lượng chăm sóc trẻ ở bậc học mầm non, hạn chế tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng; đảm bảo điều kiện sơ, cấp cứu tai nạn, đau ốm cho học sinh ở các cấp học khác kịp thời hơn.

Hiện nay học sinh miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về học tập, đi lại, sức khỏe dinh dưỡng... Do đó, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngay trong trường học là rất cần thiết, nhất là đối với những điểm trường ở xa các cơ sở y tế.

Tình trạng giáo viên được phân công kiêm nhiệm chăm sóc y tế ở các trường học như lâu nay khiến họ vừa gặp khó khăn, lúng túng về chuyên môn y tế, vừa không mang lại hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, thậm chí có thể gây ra hậu quả đáng tiếc.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc đưa công tác y tế học đường vào chương trình mục tiêu quốc gia. Trước đó, từ năm 2006, Bộ GD&ĐT cũng đã ra thông tư cho phép mỗi trường học có một biên chế cán bộ chuyên trách y tế nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Thế nhưng những năm qua, không chỉ huyện miền núi Sơn Tây mà nhiều địa phương khác trong tỉnh, vấn đề y tế học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

 

Bài, ảnh: X.THIÊN
 


.