Học sinh Việt Nam đứng cuối bảng về sự linh hoạt: Sự thật đáng suy ngẫm

10:03, 06/03/2014
.

Kết quả khảo sát PASEC 10 và thống kê mới nhất từ cuộc khảo sát PISA cho thấy, những hạn chế của học sinh Việt Nam khi được “xếp hạng” công khai theo các tiêu chí của quốc tế. Tuy kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn nhiều nước phát triển, nhưng tiêu chí linh hoạt, cởi mở của học sinh lại đứng cuối bảng. Lỗi từ đâu?

        Dạy lệch và xem nhẹ kỹ năng mềm

Nhiều học sinh Việt Nam đi du học và sánh vai với bạn bè năm châu ở môi trường giáo dục tiên tiến mới nhận ra những điểm khuyết, thậm chí “lép vế” do học lệch - nặng về trang bị kiến thức, thiếu trang bị kỹ năng mềm - tiên tiến. Vì thế, không có sự năng động, linh hoạt cần thiết để giải quyết các vấn đề đặt ra. Trong khi đó, học sinh, sinh viên quốc tế được đánh giá cao ở các kỹ năng mềm như nhận thức, hành vi (hoạt động nhóm, tranh luận, phản biện), biết chơi thể thao, nhạc… Chính vì thế, nhiều sinh viên có năng lực học tập giỏi, kết quả học các môn khoa học tự nhiên nổi trội, nhưng cảm thấy “tụt hậu” so với bạn bè. Họ phải cố gắng vượt qua rào cản hạn chế này để hội nhập vào môi trường học tập, nghiên cứu năng động, đòi hỏi sự linh động, cởi mở ở thời giao lưu hội nhập quốc tế.

Bạn Lộc Nguyễn, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM đi du học (lớp 12) tại một trường trung học phổ thông ở Mỹ cho biết, nhờ tham gia các hoạt động ngoại khóa, biểu diễn văn nghệ và nhiều hoạt động khác tại trường lẫn bên ngoài, bạn được đánh giá cao, hội nhập nhanh với môi trường học tập năng động, đòi hỏi sự linh hoạt. Những thành tích ngoại khóa nổi bật này sẽ được cộng điểm khi sinh viên đăng ký chọn trường cao đẳng cộng động hoặc đại học. Và chuẩn đánh giá đầu ra luôn nghiêm ngặt, người học phải đạt chuẩn cao về kiến thức, kỹ năng tiên tiến, có tư duy phản biện, biết cách xử lý, giải quyết tốt các vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
 

Dạy học sinh tiểu học những kiến thức cần thiết để khám phá thế giới xung quanh.
Dạy học sinh tiểu học những kiến thức cần thiết để khám phá thế giới xung quanh.


Như phân tích, mổ xẻ của các chuyên gia giáo dục Việt Nam, cỗ máy giáo dục của ta trì trệ, mắc lỗi trầm trọng và chúng ta đang phải lãnh hậu quả của việc dạy lệch, học lệch, chạy theo thành tích ảo, đánh giá học sinh bằng điểm số, kết quả thi cử là chính. Và để đáp ứng đòi hỏi học để thi cử, để có thành tích cao, điểm số đẹp, cả xã hội đều lao vào dạy thêm, học thêm.

Phân tích các dữ liệu khảo sát PISA vừa qua cho thấy học sinh Việt Nam đứng thứ 5/68 nước về học thêm và sự linh hoạt trong giải quyết vấn đề đứng áp chót với 67/68 nước tham gia. Điều này cho thấy khi đã dành hết thời gian cho học thêm, học sinh không còn thời gian tự học, tự nghiên cứu để phát triển tư duy sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ, giải trí lành mạnh.

Việc sống khép kín trong phạm vi chỉ học chữ, nhồi nhét kiến thức để đối phó với thi cử đã trở thành thói quen và nó khiến giới trẻ thiếu sự cởi mở, linh hoạt. Ngay ở bậc tiểu học, việc giáo dục các em cũng chỉ chú trọng luyện chữ đẹp, tính nhẩm nhanh thay vì tạo môi trường học tập mở, khám phá thế giới xung quanh.

Cảnh báo thực trạng trẻ Việt bị học lệch, tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh rằng ở bậc tiểu học, môn Toán và tiếng Việt được đề cao hơn rất nhiều các môn tự nhiên - xã hội - mỹ thuật - âm nhạc - thể dục - thủ công… Chính việc học lệch này đã khiến trẻ em Việt Nam kém hiểu biết thế giới xung quanh và không hiểu biết về nó thì làm sao có thể sống tốt, biết đối phó và thích ứng?

Như thế việc dạy tính nhẩm nhanh, luyện chữ đẹp, làm tính toán giỏi… sẽ không giúp ích cho các em bằng những bài học thực tế, kỹ năng ứng phó, ứng biến trong các trường hợp xảy ra tai nạn, hiểm nguy. Cụ thể như gặp động đất, hỏa hoạn, lũ cuốn, bị lạc vào rừng sâu, kể cả bị lạm dụng tình dục… thì phải làm gì để tự cứu mạng, giúp người khác an toàn? Rõ ràng sự hiểu biết và hành trang kỹ năng sống phong phú mới là tài sản quý giá được tích lũy trong quá trình học tập của học sinh.

Vì thế, cùng với việc dạy cách làm toán giỏi, viết văn hay, nhớ nhiều công thức giải toán, lý, hóa… hãy dạy các em những điều cần biết để làm người, ứng xử, đối phó linh hoạt, khôn ngoan với cuộc sống. Cùng với nhà trường, các bậc phụ huynh cũng phải thay đổi tư duy, khuyến khích con em mình luyện tập thể thao, phát triển sở trường, năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật, tham gia các hoạt động xã hội… thay vì bắt học thêm như hiện nay.

        Tạo môi trường học tập mở

Hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, sở trường cá thể của học sinh, nhiều trường phổ thông ở TPHCM đã chú trọng tạo sân chơi nuôi dưỡng tư duy sáng tạo khoa học kỹ thuật và khuyến khích học sinh tham gia giờ học tích cực, học tập nhóm, làm thuyết trình đề tài các môn học. Tuy nhiên, những hoạt động này phát triển chưa rộng khắp và mới tập trung ở một số trường có điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo.

Bà Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM khẳng định, mô hình trường học tiên tiến - hội nhập quốc tế của trường đã đi đúng hướng là đào tạo ra sản phẩm học sinh tự tin, năng động và linh hoạt trong xử lý các tình huống. Thông qua các giờ học tích cực, học sinh chủ động làm thuyết trình đề tài, tổ chức hội trại xuân truyền thống... Các thế hệ học sinh của trường được rèn luyện, trang bị kỹ năng mềm, tự giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt rất tốt. Điều này mang lại lợi thế cho học sinh khi du học, học tập trong môi trường quốc tế.

Tương tự, Trường THPT Đinh Thiện Lý cũng tạo được môi trường học tập sáng tạo, giúp học sinh linh hoạt, cởi mở trong mọi hoạt động. Từ kinh nghiệm “kích thích sự linh hoạt” và nuôi dưỡng niềm đam mê, sáng tạo cho học trò của mình, bà Trần Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Thiện Lý, tâm sự: “Không chỉ dạy những gì học sinh cần mà phải nuôi dưỡng ý tưởng, ước mơ được sáng tạo - dù đó là ý tưởng hơi viển vông, xa vời”.

Trong khi chờ đợi sự lột xác nền giáo dục nước nhà từ cú hích đột phá đổi mới, mỗi cơ sở giáo dục hãy chủ động đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức, dạy những điều cần thiết, bổ ích cho người học. Song song đó cần trang bị kỹ năng sống, tạo thêm sân chơi, giúp học sinh các cấp học năng động, vận dụng những điều đã học vào cuộc sống và xử lý các tình huống phát sinh một cách linh hoạt, hiệu quả nhất.

Chìa khóa cạnh tranh và dẫn đến thành công ở thế kỷ 21 chính là tạo nguồn nhân lực có kỹ năng tiên tiến (nhận thức, hành vi, kỹ thuật…). Và nếu thiếu tài sản quý giá này thì quốc gia đó khó tạo ra đột phá chuyển đổi nền kinh tế, tạo giá trị gia tăng cao.

Vậy sự nghiệp giáo dục Việt Nam phải thay đổi và bắt nhịp với thách thức này như thế nào nếu không muốn tụt hậu?



KHÁNH BÌNH/Báo SGGPO


.