Gạo hỗ trợ đến tay học sinh vùng cao: Niềm vui lớn và nỗi băn khoăn

09:01, 14/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Thực hiện Quyết định 36 của Chính phủ, những chuyến gạo đầu tiên đang đến với các em học sinh tại các trường ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Đây là niềm vui lớn với các em, nhưng đằng sau ấy vẫn còn nhiều trăn trở. 

TIN LIÊN QUAN

Chính sách đúng
 
Bắt đầu từ ngày 1.9.2013, học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được nhận hỗ trợ 15kg gạo/học sinh/tháng. Đây là nội dung Quyết định số 36 của Chính phủ. Đây là niềm vui lớn cho các em và gia đình, những hạt gạo này sẽ góp phần nuôi con chữ ở những vùng gian khó.
 
Theo đó, mỗi học sinh được hưởng mức gạo hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học. Đối tượng được nhận mức hỗ trợ trên bao gồm: Học sinh tiểu học và THCS đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và THCS công lập thuộc khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu tại xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đang học tại các trường THPT và các trường phổ thông có nhiều cấp học công lập.

 

Sau 5 tháng chờ đợi, những chuyến gạo đầu tiên đã đến với học sinh.
Sau 5 tháng chờ đợi, những chuyến gạo đầu tiên đã đến với học sinh.

 

Chuyến gạo đầu tiên của học kỳ I năm học 2013-2014 đã đến với học sinh là con em đồng bào ở huyện miền núi Trà Bồng. Khi nghe Trường THPT Trà Bồng thông báo đến nhận gạo hỗ trợ cho con, bà Hồ Thị Lang ở xã Trà Giang vui mừng không tả nổi. Khi đi, bà mang theo hai chiếc bao lớn để mang gạo về nhà. "Chưa bao giờ được nhận nhiều gạo như thế"- bà Lang cười vui.
 
Còn em Hồ Thị Uyên- học sinh lớp 10A7, Trường THPT Trà Bồng thì vui mừng: “Em rất vui vì được nhận gạo hỗ trợ để chúng em có thể yên tâm hơn trong học tập, chúng em hứa sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng của Đảng, Nhà nước”.
 
Cũng như học sinh ở huyện miền núi Trà Bồng, học sinh ở Ba Tơ phần lớn là con em hộ nghèo, đặc biệt khó khăn cũng đang được nhận gạo hỗ trợ đợt đầu tiên trong niềm vui khôn xiết sau 5 tháng chờ đợi.
 
Cô Nguyễn Thị Thành- Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Kiệt cho biết: “Nhà trường rất vui mừng khi các em được nhận gạo hỗ trợ. Với 15kg gạo hàng tháng, các em sẽ được ăn uống đầy đủ hơn, sẽ yên học tập. Từ trước đến nay, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học khiến chúng tôi rất trăn trở. Hy vọng từ năm nay sẽ không còn trường hợp bỏ học do không có điều kiện theo học”
 
…nỗi băn khoăn
 
Không thể phủ nhận rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lâu nay đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng thụ rất nhiều chế độ chính sách, đặc biệt là các em học sinh, nhằm thúc đẩy công tác giáo dục dân tộc. Thế nhưng, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, việc thực thi chế độ, chính sách chưa kịp thời nếu không nói là quá chậm, đã dẫn đến nhiều hệ lụy. 
 
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Lê- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ba Tơ, nếu học sinh được nhận hỗ trợ hàng tháng thì các em sử dụng hợp lý hơn. Trong lúc các em cần gạo hỗ trợ thì không có khiến cuộc sống của các em hết sức chật vật. Việc nhận cùng một lúc 75kg gạo là quá nhiều sẽ nảy sinh tiêu cực, không loại trừ nhiều em bán gạo để sử dụng vào việc khác như mua quà bánh, điện thoại…

 

Học sinh miền núi cần sự hỗ trợ kịp thời để đường đến trường bớt nỗi gian nan.
Học sinh miền núi cần sự hỗ trợ kịp thời để đường đến trường bớt nỗi gian nan.

 

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thành cho rằng, học sinh nơi đây rất nghèo, việc hỗ trợ không hợp lý sẽ khiến các em gặp khó khăn. Nhiều học sinh con gia đình khó khăn không có tiền lo chi phí ăn ở học tập, mặc dù đã được nhà trường, các thầy cô giáo giúp đỡ nhưng cũng đành nghỉ học. Từ đầu năm học 2013-2014, trường có 8 học sinh bỏ học mà nguyên nhân chính là do gia cảnh quá khó khăn, trong khi nhà cách trường tới vài chục cây số, lại phải vượt đèo, lội suối.

Không chỉ chính sách này mà nhiều chính sách hỗ trợ khác cho học sinh dân tộc thiểu số cũng chậm thực thi, thậm chí kéo dài cả 3 năm. Đơn cử như chính sách hỗ trợ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
 
Toàn tỉnh có 1.162 học sinh nằm trong diện được hỗ trợ gạo theo quy định của Nhà nước với hơn 192 tấn gạo. Hiện nay, các trường đang rất khẩn trương để cấp phát cho các em. Hy vọng từ đây trở đi, số gạo hỗ trợ sẽ đến tay các em kịp thời, làm động lực giúp giúp các em vững tâm trên bước đường học tập của mình.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều

.