Canh cánh nỗi lo gửi con nhóm trẻ gia đình

10:01, 11/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em được đưa ra ánh sáng, liên tiếp xảy ra những cái chết thương tâm với trẻ mầm non gửi ở nhóm trẻ gia đình, đã khiến nhiều bậc phụ huynh canh cánh nỗi lo về sự an toàn của con.

TIN LIÊN QUAN

* Nỗi lo thường nhật
 
Thông tin cháu Nguyễn Ngọc Hải Hà, 16 tháng tuổi ở TP. Biên Hòa, Đồng Nai bị chấn thương sọ não tại một nhà trẻ “chui” và tử vong. Trước đó hàng loạt vụ bạo hành trẻ em bị đưa ra ánh sáng đã khiến chị Trần Thị Liên- công nhân ở Khu Công nghiệp Tịnh Phong rất bàng hoàng và phẫn nộ. Sau phút giây phẫn nộ ấy, chị hết sức lo lắng cho đứa con 8 tháng tuổi của mình đang gửi cho một gia đình ở gần chỗ trọ. Do cháu bé còn quá nhỏ, không nhà trẻ công lập nào nhận giữ, chị phải gửi con tại nhóm trẻ gia đình.
 
“Những ngày qua, cùng với nỗi lo cơm áo gạo tiền, mỗi ngày đi làm mình luôn có cảm giác thấp thỏm. Trước mặt mình họ luôn thể hiện bà bà cháu cháu, thương yêu con mình, nhưng khi mình đi rồi không biết họ sẽ làm gì nó?”- chị Liên thổ lộ với giọng nặng trĩu.
 
Trong vai người có nhu cầu gửi con, chúng tôi đã đến một nhóm trẻ gia đình ở một con hẻm trên đường Nguyễn Công Phương (TP. Quảng Ngãi). Ẩn sau hàng loạt các dãy nhà nghỉ, hàng chục cháu trong độ tuổi mầm non đang chơi đùa, xô đẩy qua lại trong một căn phòng hơn 10m2, tường nhà sơn bong tróc bốc mùi ẩm mốc, nền nhà lấm lem mà không có sự giám sát của cô giáo. 
 

 

Những người thu nhập thấp như công nhân rất khó khăn để tìm nơi gửi con.
Những người thu nhập thấp như công nhân rất khó khăn để tìm nơi gửi con.
 
Vào bên trong nhà, tôi thấy cô giáo đang cặm cụi làm việc nhà. Qua trò chuyện với cô giáo, tôi được biết, nhà trẻ này có 2 cô mà có 25 cháu. Trong khi đó, các cô kiêm luôn vai trò làm việc nhà, nấu ăn và trông nom trẻ. Nhà trẻ này nhận giữ trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên, không loại trừ những cháu mà bố mẹ vì miếng cơm manh áo đi làm ăn xa có nhu cầu gửi con quanh năm.
 
Một tuần qua, chị Lê Thị Lan ở tổ 19, phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi) cảm thấy nhẹ người vì đã gửi được con vào nhà trẻ Tuổi Thơ. Con chị hiện hơn 18 tháng tuổi. Vì nhà là tiệm may lớn nên vợ chồng quần quật suốt ngày, không có thời gian chăm con. 
 
Khi con đủ 6 tháng tuổi, chị đã chạy đôn chạy đáo tìm nơi gửi cháu để có thời gian phụ việc may vá cùng chồng. Khi nghe ti vi đưa tin bạo hành trẻ em, chị Lan đã phải liên tục thay chỗ gửi cháu bởi con thường xuyên bị té ngã trầy xướt mặt mũi, có khi là sưng tay sưng chân. Qua 3 lần thay chỗ gửi cháu chị mới thở phào nhẹ nhỏm vì con đủ tháng tuổi để vào các nhà trẻ bài bản. 
 
* Bố mẹ cần phải tìm hiểu thật kỹ
 
Cô Nguyễn Thị Thuyết- chuyên viên Phòng Giáo dục huyện Nghĩa Hành, người có kinh nghiệm 25 năm trong việc nuôi dạy trẻ mầm non, mẫu giáo cho rằng, nhà trẻ công lập và tư thục đủ điều kiện theo quy định thường nhận giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. 
 
Vì thế, đồng nghĩa với việc trẻ dưới 18 tháng tuổi, nếu không có bố mẹ, người thân trông giữ, các cháu sẽ phải đến với các nhóm trẻ gia đình. Bởi vậy, phụ huynh có con gửi trẻ cần phải tìm hiểu, xem xét thật kỹ trước khi gửi con mình đến các nhóm trẻ gia đình, đừng chỉ vì tiện, ham rẻ mà gửi con thiếu suy tính.
 
“Mình khuyên các bậc phụ huynh hãy cho con vào nhà trẻ công lập hoặc tự thục nhưng có giấy phép hẳn hoi. Đừng vì ham rẻ mà gửi con ở nhóm trẻ gia đình, bởi ở đây các cô vừa giữ cháu vừa làm việc nhà nên không thể chu toàn được.”- chị Lan bộc bạch.

 

Bố mẹ cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định gửi con ở nhóm trẻ gia đình. Ảnh Minh họa
Bố mẹ cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định gửi con ở nhóm trẻ gia đình. Ảnh minh họa
 
Điều kiện để giữ trẻ theo quy định là 1 cô phục vụ 12 trẻ mà không kiêm các việc khác, 1 cháu cần tối thiểu 1,5 m2, nền nhà phải sạch sẽ, không trơn trượt để đảm bảo độ an toàn cho trẻ. Đặc biệt, bố mẹ phải tìm hiểu thật kỹ phẩm chất đạo đức, nhân cách của người có ý định gửi trẻ. “Có những giáo viên dù qua trường lớp, nhưng không yêu nghề cũng dễ dẫn đến hành vi bạo hành trẻ em. Ở đây vấn đề nhân cách được đặt lên hàng đầu”- cô Thuyết nói.
 
 
Mới đây, bà Lý Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Điều lệ trường mầm non ra đời khi hệ thống trường ngoài công lập chưa phát triển lắm và điều kiện thực tế lúc đó lại đang cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Bộ sẽ rà soát lại văn bản và xem xét, nghiên cứu đề xuất sửa đổi bất cập về yêu cầu trình độ của chủ nhóm lớp mầm non trong thời gian sớm nhất”.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 

.