Phổ cập tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

03:12, 01/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, khi bước vào bậc tiểu học, hiểu được tiếng Việt thì mới có thể tiếp thu kiến thức từ các môn học khác. Nhưng chuyện ấy đối với các em không đơn giản chút nào.

TIN LIÊN QUAN

Tiếng phổ thông đối với học sinh lớp 1 là con em người đồng bào dân tộc thiểu số là "một ngoại ngữ". Để các em đọc thông, viết thạo, hiểu nghĩa của thứ "ngoại ngữ này" phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài của các em và sự nỗ lực rất lớn của giáo viên.

Nỗ lực, tâm huyết

Chúng tôi có dịp tham gia một buổi học phụ đạo môn tiếng Việt của học sinh lớp 2B-Trường Tiểu học Sơn Dung (Sơn Tây). Để các em dễ tiếp thu, giáo viên đứng lớp truyền đạt bằng những đồ vật trực quan thông qua việc nhìn - đọc - hiểu. Tuy vậy, đối với một số từ khó, những bài tập đọc mới các em phát âm còn rất hạn chế.

 

Học sinh Trường Tiểu học Sơn Dung trong giờ học tiếng Việt.
Học sinh Trường Tiểu học Sơn Dung trong giờ học tiếng Việt.


Cô giáo Phạm Thị Bích Ngân cho các em đọc từ "chai rượu" nhưng các em đều phát âm “chai rịu”. Làm một phép thử với học sinh trong lớp, chúng tôi yêu cầu cô giáo Ngân viết lên bảng từ "cần cù" và đọc qua một lần để các em đọc theo, nhưng sau đó các em  đọc thành “cần cùn”. Dù được cô giáo hướng dẫn phát âm 5 lần, nhưng em Đinh Thị Tiên vẫn không đọc rõ được.

Cô giáo Ngân chia sẻ: “Đa số học sinh lớp 1 và lớp 2 phát âm rất khó, nhiều từ không dấu thì chúng đọc thành có dấu, từ có dấu các em đọc tự tiện bỏ dấu… Để rèn cho các em, chúng tôi phải nỗ lực rất lớn”. Những năm đầu đứng lớp, cô Ngân phải học thêm tiếng địa phương để có thể hòa nhập với học sinh trong giao tiếp. “Khi biết được tiếng địa phương, nhất là khi có học sinh không hiểu, mình cho em đó nói tiếng địa phương, sau đó mình dịch sang tiếng Việt rồi cho học sinh nói theo. Cách làm này khá hiệu quả”, cô Ngân bộc bạch.

Đối với các điểm trường xa trung tâm huyện, việc dạy và học tiếng Việt  càng khó khăn hơn. Trường Tiểu học Sơn Long là một trong những trường xa nhất của huyện Sơn Tây. Toàn trường có hơn 95% học sinh người đồng bào Cadong, với 5 điểm trường lẻ ở các làng, xóm xa xôi, hẻo lánh. Số học sinh trong độ tuổi lớp 1 khá đông. Thầy giáo Đinh Xun Hân, giáo viên lớp 1, điểm trường lẻ Tà Vay, tâm sự: Đa số học sinh ở đây là người dân tộc thiểu số, chưa tiếp xúc nhiều với người Kinh nên chỉ nói tiếng mẹ đẻ.  Việc tiếp thu tiếng Việt đối với học sinh lớp 1 ở đây rất chậm, vì mọi sinh hoạt ở gia đình em thường sử dụng tiếng mẹ đẻ. “Để học sinh tiếp thu được bài, tôi phải nói cả hai thứ tiếng”, thầy Hân nói.

Chủ động nhiều giải pháp

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số và học sinh yếu môn tiếng Việt là một chủ trương đúng đắn. Ngay từ đầu năm học,  Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) đã triển khai tập huấn cho hầu hết giáo viên cốt cán tại các huyện miền núi. Hiện nay, giáo viên giảng dạy xây dựng kế hoạch tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc theo 3 phương án: Tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1; tăng cường dạy tiếng Việt thông qua các môn học; tăng thời lượng dạy tiếng Việt từ 350 tiết lên 500 tiết. Vừa qua, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp giảm thiểu tình trạng học sinh đọc kém, viết kém cho tất cả các trường tiểu học. Trong đó, tập trung tìm giải pháp chung, định hướng phương pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh miền núi.  


Ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây cho biết: Chúng tôi chỉ đạo cho giáo viên các lớp mẫu giáo 5 tuổi trong tất cả các giờ dạy phải có kỹ năng tập nói tiếng Việt cho các em. Trong các kỳ nghỉ hè, hầu hết các trường tiểu học đều tổ chức phân công giáo viên dạy hè để củng cố kiến thức cho học sinh. Nếu các em không nói được tiếng Việt thì giáo viên dạy theo phương pháp song hành ngôn ngữ để các em hiểu và dùng được các vốn từ…

 

Học sinh tiểu học  điểm trường Tà Vay, thôn RaPân, xã Sơn Long phải vượt đường rừng hơn 2 giờ mới đến được lớp học.
Học sinh tiểu học điểm trường Tà Vay, thôn RaPân, xã Sơn Long phải vượt đường rừng hơn 2 giờ mới đến được lớp học.


Trong Chương trình SWEP, tất cả buổi chiều, chúng tôi dành thời lượng để tập nói và sử dụng tiếng Việt cho các em. Tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm tăng cường kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt. “Chúng tôi mong muốn bậc học mầm non cần được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học hơn nữa để tiến tới lộ trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Một khi các em tiếp xúc và nói được tiếng phổ thông ở bậc học này thì quá trình học lớp 1 sẽ nắm bắt được nội dung, học nhanh và hiệu quả hơn”, ông Thạnh nhấn mạnh thêm.

Bà Lê Thị Kim Ánh - Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: “Trong điều kiện không thể dạy học tăng buổi trong tuần, hoặc dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1 và học sinh yếu môn tiếng Việt, các trường có thể điều chỉnh giảm nội dung, thời lượng dạy học các môn học khác để tập trung dạy học tiếng Việt cho các em”.  


Hy vọng, với sự chỉ đạo của ngành giáo dục, sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên sẽ giúp các em vận dụng tốt ngôn ngữ phổ thông để tiếp cận kiến thức tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn 6 huyện miền núi trong tỉnh.    


 Bài, ảnh: KIM NGÂN


 
 


.