Đưa Nghị quyết Công đoàn vào cuộc sống

01:12, 17/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đại hội Công đoàn các cấp (nhiệm kỳ 2013- 2018) đã  thông qua các văn kiện có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Để nghị quyết sớm đi vào thực tiễn đời sống, LĐLĐ tỉnh đã cụ thể hóa nghị quyết thành chương trình hành động thông qua các chuyên đề để triển khai đến đoàn viên và người lao động.

TIN LIÊN QUAN

Hiện toàn tỉnh có gần 60.000 đoàn viên công đoàn, công tác, làm việc ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Toàn tỉnh hiện có gần 100 cán bộ công đoàn chuyên trách và khoảng 4.000 cán bộ công đoàn bán chuyên trách. Mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ là 100% cán bộ công đoàn được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công đoàn; 90 - 95% đoàn viên công đoàn và 60-70% công nhân lao động được tham gia học tập nghị quyết.

 

Nhiều công nhân có mức thu nhập chưa tương xứng với việc làm.
Nhiều công nhân có mức thu nhập chưa tương xứng với việc làm.


Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình kinh tế gặp khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Điều này đã tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của người lao động, nên việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ gặp một số khó khăn. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ trong các ngành giáo dục, y tế, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng; giảm trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và khu vục kinh tế nhà nước nên cũng là trở ngại lớn đến kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Đã vậy, từ năm 2008 đến nay, tiền lương được điều chỉnh tăng 5 lần. Trong đó, tiền lương tối thiểu ở doanh nghiệp trong nước tăng 20,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,5%; khu vực hành chính, sự nghiệp tăng 23,8%. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu thấp, chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Thêm vào đó, chính sách về nhà, đất ở cho người lao động vẫn còn nhiều bất cập và hiện chỉ có 5% số lao động được ở trong các nhà lưu trú do doanh nghiệp xây dựng. Điều kiện, môi trường làm việc của người lao động chậm được cải thiện. Tình trạng vi phạm pháp luật lao động, tranh chấp lao động, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp vẫn còn xảy ra. Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp đạt thấp, nội dung ký kết ít chú trọng đến các điều khoản có lợi hơn cho người lao động.

Từ thực tiễn phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn trên địa bàn tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng chương trình hành động cho cả nhiệm kỳ (2013- 2018), với mục tiêu là thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu thuộc trách nhiệm của công đoàn. Giải pháp mang tính đột phá và quyết định là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách và bán chuyên trách đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ để hoạt động hiệu quả. Để làm được việc này, LĐLĐ tỉnh cử cán bộ công đoàn tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Trong công tác tập huấn, LĐLĐ tỉnh đổi mới phương pháp tập huấn nghiệp vụ theo hướng tích cực, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công đoàn…

 Đến nay, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình hành động: Phát triển đoàn viên; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể; nâng cao trình độ và kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động. Đặc biệt để Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn đời sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động công đoàn, các cấp công đoàn trong tỉnh đã và đang bắt tay vào việc đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết trong tất cả đối tượng CNVCLĐ thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Bà Ngô Thị Kim Ngọc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Khó khăn của tổ chức công đoàn hiện nay là chưa nhận được sự ủng hộ của nhiều chủ doanh nghiệp về việc tạo điều kiện thuận lợi trong việc tập trung công nhân lao động để tuyên truyền việc thực hiện các nội dung của nghị quyết. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, các cấp công đoàn trong tỉnh cần phải năng động, sáng tạo, nhất là đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho thật phù hợp với điều kiện làm việc, đời sống của công nhân lao động. Đối với công nhân, lao động trực tiếp sản xuất phải có hình thức tiếp cận mới thông qua hệ thống phát thanh nội bộ, tờ rơi, tờ gấp, nhất là tranh thủ giờ giải lao của người lao động để tuyên truyền. “Nếu không khắc phục được hạn chế, tồn tại thì nghị quyết khó lòng đến được với đông đảo công nhân, người lao động”, bà Ngô Thị Kim Ngọc nhấn mạnh.
  

Bài, ảnh: Sông Thương
 


.