Cử nhân làm công nhân

01:12, 05/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngày càng thu hẹp. Vì vậy, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã nắm bắt mọi cơ hội việc làm, kể cả làm công nhân và công việc không theo ngành nghề được đào tạo.

TIN LIÊN QUAN

Tốt nghiệp các ngành kế toán, ngân hàng, quản trị kinh doanh… nhưng 8 cử nhân quê ở thôn An Định, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) lại không làm việc theo đúng chuyên ngành đã học. Hiện tại tất cả đều xin vào làm công nhân kỹ thuật cho Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Nông Tín có cơ sở đóng tại địa phương.

 

Những cử nhân làm công nhân tại Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Nông Tín.
Những cử nhân làm công nhân tại Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Nông Tín.


Công việc hằng ngày của những công nhân kỹ thuật này là nhân giống cây keo theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Công việc này không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhưng phải tỉ mỉ, tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật. Bởi chỉ cần làm sai một bước hoặc để môi trường làm việc bị nhiễm khuẩn thì quá trình nuôi cấy mô sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây không phải là áp lực duy nhất của các cử nhân. Họ sợ nhất là lời đàm tiếu của người thân, hàng xóm như “học chi cho nhiều cũng chỉ đi làm công nhân”.

Tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng, Trường Đại học Quảng Nam, cử nhân Trần Thị Tuyết Mai đã gửi đơn xin việc khắp nơi, nhưng tới đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Nhiều lúc chán nản, cô muốn hành phương Nam để mưu sinh. Nhưng rồi Tuyết Mai nghĩ không làm được thầy thì mình làm thợ, miễn là làm ra tiền để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Vì vậy khi biết ở quê đang tuyển công nhân, Mai quyết định về quê xin làm công nhân. Tuyết Mai chia sẻ: “Mình nghĩ với thời buổi khó khăn như hiện nay thì tìm được một công việc như thế này là đã tốt lắm rồi. Công việc cũng không nặng nhọc, lại gần nhà. Tuy tiền lương không cao bằng đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng mức chi tiêu thấp hơn nên cũng đủ trang trải đối với cuộc sống ở quê”.

Cũng giống như những cử nhân khác, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, bạn Võ Thị Thanh Hảo quyết định vào Bình Dương kiếm việc. Hảo đã gửi đơn xin việc đến rất nhiều công ty, nhưng rồi chẳng có nơi nào nhận. Không có tiền để trang trải cuộc sống, Hảo quyết định xin đi làm công nhân may. Tuy nhiên, với đồng lương ít ỏi kiếm được (1,8 triệu đồng/tháng) không đủ để chi phí. Vì vậy chị quyết định về quê làm công nhân gần nhà. “Tuy công việc hiện tại không đúng với chuyên ngành mà mình đã học, nhưng tôi nghĩ như thế cũng đã may mắn lắm rồi. So với nhiều bạn cùng trang lứa thì mình cũng đã có công ăn việc làm ổn định. Hơn nữa dù sao làm việc ở quê cũng tốt hơn, không phải bon chen nơi đất khách quê người", Hảo tâm sự.

Còn cử nhân Lê Thị Cẩm, người đã có thời gian gần 2 năm làm công nhân kỹ thuật ở Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Nông Tín, vui vẻ nói: "Mới đầu mình chỉ nghĩ đi làm nghề này để kiếm tiền, giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy nhiên càng gắn bó với nghề thì mình càng yêu thích nghề này và muốn gắn bó lâu dài với nó!".
      
Ông Phan Sơn - trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Nông Tín cho biết: Mặc dù môi trường làm việc chưa thật sự phù hợp với chuyên ngành của các cử nhân, nhưng Công ty cũng đã tạo điều kiện, giải quyết công ăn việc làm trước mắt cho con em địa phương. Hiện tại lương học việc của các công nhân là 2,4 triệu đồng/tháng. Còn về lâu dài, Công ty sẽ tạo điều kiện để công nhân hưởng các chế độ như đóng các loại bảo hiểm. Ngoài ra, công nhân được hưởng thêm phụ cấp độc hại. Những ngày tăng ca, công nhân sẽ được hưởng mức lương 200% so với ngày thường. Đặc biệt, trong thời gian tới, Công ty sẽ giao khoán cho công nhân với mức lương tối thiểu là 4,5 triệu đồng/tháng. Đây là cơ hội để người lao động cố gắng kiếm thêm thu nhập.
  

 Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.