Lao động miền núi học làm thợ hồ

08:11, 13/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Thợ hồ- cái nghề từ xưa đến nay ít được cánh mày râu ở các huyện miền núi quan tâm, nhưng nay đã trở thành nghề chính của rất nhiều người. Không chỉ giúp giải quyết lao động nhàn rỗi, nghề này đang giúp người nhiều lao động ở đây có nguồn thu nhập ổn định.
 
 
Trong một chuyến lên xã Trà Tân (Trà Bồng) công tác, chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy một nhóm thợ hồ xây nhà cho bà con theo chương trình 167 toàn bộ là đồng bào dân tộc thiểu số, bởi lâu nay công việc này vốn dĩ do người miền xuôi đảm nhiệm. 
 
Họ phân công nhau làm việc khá nhịp nhàng. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, mỗi người làm 1 bát mì tôm, họ lại tiếp tục công việc tô trát. Trong cái nắng trưa gay gắt, mồ hôi toát ra như tắm, quần áo lấm lem vôi vữa, tay họ cầm bay thoăn thoắt tô, những viên gạch xây đều tăm tắp. 
 
Hồi trước bà con mỗi lần muốn xây cái nhà, cái bếp, thậm chí sửa cái sân cũng phải xuống tận đồng bằng kêu người Kinh, có khi chờ vài tháng trời cũng chẳng có thợ. Thế là nhiều người quyết định theo học lớp dạy nghề thợ hồ để hành nghề kiếm thêm thu nhập. 
 
Anh Hồ Văn Vỹ ở thôn Trà Ngon, xã Trà Tân tâm sự: “Cái khó là xưa nay mình chỉ biết lên nương lên rẫy chứ có biết cầm cái bay, cây thước bao giờ đâu, nhưng học rồi theo người Kinh tập xây rồi cũng quen”.
 
Còn anh Hồ Văn Thanh, người cùng thôn với anh Vỹ cũng sống bằng nghề thợ hồ. Mới chỉ hành nghề được hơn 1 năm nhưng anh Thanh đã tham gia làm được 4 cái nhà 167 cho bà con trong xã và các xã lân cận. 
 
 
Thời gian gần đây, nghề thợ hồ đã giúp nhiều thanh niên ở miền núi có việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập.
Thời gian gần đây, nghề thợ hồ đã giúp nhiều thanh niên ở miền núi có việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập.
 
Hiện giờ các địa phương đồng loạt xây dựng nhà thuộc chương trình 167 theo kiểu nước rút để bà con đón tết trong nhà mới nên công việc của anh Thanh, anh Vỹ và những người trong nhóm rất “đắc sô”. Công việc của họ không kể nắng mưa, trưa tối. 
 
Anh Thanh chia sẻ: “Từ hồi giờ tôi chỉ biết làm nương rẫy, khai thác rừng. Hết mùa thì ở nhà chơi chứ chẳng biết làm việc gì khác. Thấy cán bộ vận động đi học nghề thợ hồ, tôi cũng thử và giờ đã xây nhà thành thạo. Vừa có việc làm, đỡ phải nhậu nhẹt vừa có tiền lo cho gia đình, mình vui lắm!”
 
Kỹ sư Nguyễn Tấn Sang- giáo viên giảng dạy bộ môn kỹ thuật xây dựng, Trường Dạy nghề huyện Trà Bồng cho biết, việc làm sau khi học nghề thợ hồ là vấn đề đơn giản ở các địa phương miền núi, vì hiện tại các địa phương đang rất cần người lao động để xây nhà theo các chương trình 167, 135… nhưng để những thanh niên, đàn ông người đồng bào đến trường học nghề quả lá một quá trình khó khăn. 
 
Đây là công việc nhọc nhằn, đòi hỏi sự chăm chỉ, đặc biệt người thợ rất cần những kiến thức về đọc dự toán, đọc bản vẽ kiến trúc, bản vẽ kết cấu nên công việc này lâu nay do người miền xuôi đảm nhiệm.
 
Để khuyến khích họ theo học, anh Sang phải vào tận thôn, bản tuyên truyền vận động rồi tổ chức cho học, thực hành xây nhà ngay tại chỗ. Đầu tiên anh Sang dạy tỉ mỉ cho họ từng chi tiết cụ thể như: cầm bay, cầm thước, đào móng, trộn hồ, xây tường, tô trát, quét vôi, sơn, lát gạch nền, ốp gạch tường…
 
Thông qua những kỹ năng cơ bản được thầy giáo truyền đạt họ đã bắt đầu làm quen với nghề. Sau khi học xong, nhà trường đã liên hệ với các nhà thầu để họ hành nghề, một số tự thành lập nhóm đi xây nhà, kiếm thu nhập. Giờ đây thu nhập mỗi ngày của họ giao động từ 150.000-180.000 đồng. Số tiền này với những lao động miền núi là không hề nhỏ.
 
Anh Hạ Huy Tiến- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng cho hay, sau khi đào tạo, nghề thợ hồ không chỉ giúp các địa phương miền núi giải quyết lao động nhàn rỗi, mà còn giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục vận động nhiều thanh niên khác theo học để có điều kiện tự vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỉ lại vào nguồn hỗ trợ của nhà nước, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều

 


.