Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Vừa thiếu, vừa thừa

02:10, 03/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Một thực tế hiện nay, hầu hết các đơn vị trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu biên chế. Đội ngũ cán bộ, viên chức ở các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh chưa thật ổn định.

TIN LIÊN QUAN

Nghịch lý thiếu, thừa

Những năm trước đây, chính sách cử tuyển là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cường nhân lực cho các địa phương, đặc biệt là miền núi. Nhưng đến nay chính sách này đang là gánh nặng cho các địa phương.

Theo Sở GD&ĐT và Sở Y tế, hiện 2 ngành chưa thể phân công công việc cho 70 em là con em các đồng bào dân tộc trong tỉnh được cử tuyển đi học đã ra trường, nhiều nhất là ở huyện miền núi Ba Tơ.

Ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, nguyên nhân là do cử tuyển không theo đơn đặt hàng mà phân bố từ các trường đại học về giao cho huyện cho nên có một số ngành quá nhiều mà nhu cầu địa phương thì ít nên không biết sắp xếp công tác cho các em ở đâu.

Khó khăn nữa khi thực hiện chế độ cử tuyển là chất lượng tuyển sinh đầu còn thấp và hầu hết theo học ngành y và sư phạm. Đây là hai ngành đòi hỏi trình độ chuyên môn cao nên đa phần các em chưa đáp ứng được.

 

Trong khi nhiều sinh viên ngành sư phạm ra trường không tìm được việc làm thì ngành giáo dục vẫn đang thiếu nhiều giáo viên.
Trong khi nhiều sinh viên ngành sư phạm ra trường không tìm được việc làm thì ngành giáo dục vẫn đang thiếu nhiều giáo viên.



Cũng vì quá ưu tiên cử tuyển cho 2 ngành giáo dục và y tế nên hiện nay rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa. Dự báo gần 500 học sinh cử tuyển ở 6 huyện miền núi tốt nghiệp trong một vài năm tới có nguy cơ sau khi ra trường sẽ không bố trí được việc làm.

Toàn ngành giáo dục hiện có gần 3.000 công chức, viên chức. Về trình độ chuyên môn chỉ có 1 tiến sĩ, thạc sĩ 140 người chiếm 4,6%. Trong khi sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp khá nhiều, thì năm học này ngành giáo dục vẫn còn thừa 161 chỉ tiêu.

Hay như Trường ĐH Phạm Văn Đồng hiện có 224 cán bộ giảng dạy, nhưng chỉ có 1 phó giáo sư, 8 tiến sỹ. Nguồn nhân lực giảng dạy, nghiên cứu ở một trường đại học yêu cầu phải cao. Nhưng thực tế, tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ cao của trường còn quá khiêm tốn, nếu không nói là thiếu và yếu so với yêu cầu.

Lý giải về nguyên nhân này, lãnh đạo nhà trường cho rằng, chính sách khuyến khích đội ngũ tiến sĩ về công tác tại trường và chính sách đãi ngộ tại chỗ cho đội ngũ hiện làm nghiên cứu sinh còn bất cập. Hơn nữa, viên chức ở độ tuổi từ 50-60 tuổi chiếm tỷ lệ cao, khả năng sử dụng tiếng Anh và năng lực chuyên môn hạn chế nên nhiều người ngại đi học để nâng cao trình độ.

Mặc dù trong những năm gần đây tỉnh ta đã có một số chính sách thu hút nguồn nhân lực cao như thạc sĩ, tiến sĩ và chế độ tuyển dụng bác sĩ, dược sĩ đại học không qua thi tuyển, song Sở Y tế chỉ tuyển dụng được 5 đến 7 bác sĩ mỗi năm. Số lượng này không đủ để thay thế số bác sĩ nghỉ hưu hằng năm.

Đó là chưa kể đến việc bác sĩ, dược sĩ đang công tác tại địa phương miền núi bỏ việc về xuôi. Một nghịch lý đang tồn tại, so với nhu cầu khám, chữa bệnh thì hiện nay ngành y tế Quảng Ngãi phải cần bổ sung trên 200 bác sĩ, thì mỗi năm lại có đến hàng trăm điều dưỡng, y sĩ, nữ hộ sinh tốt nghiệp hệ trung cấp “vác” hồ sơ đi khắp nơi vẫn không tìm được việc làm.

Ngay ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh có tới gần 200 điều dưỡng phải hợp đồng không lương hoặc có lương cũng ít ỏi. Trong khi đó có tới 45 người đã có thâm niên công tác 5 năm trở lên, thậm chí là hơn 10 năm chưa được tuyển dụng vào biên chế. Họ là những người đã nhiều lần thi trượt trong các kỳ thi tuyển viên chức của ngành, nhưng vẫn bám trụ vì nghỉ việc rồi chẳng biết làm gì.

 

Ngành y tế đang
Ngành y tế đang "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh hoạ


Trong đợt giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa qua, một trong những vấn đề bức xúc được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, đó là tình trạng vừa thừa vừa thiếu biên chế sự nghiệp. Đội ngũ cán bộ viên chức ở các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh chưa thật ổn định. Trình độ cán bộ còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Theo Sở Nội vụ, cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và huyện, số lượng biên chế được giao 27.411, số lượng biên chế hiện có 23.964 người. Về trình độ chuyên môn chỉ có 25 tiến sĩ, chiếm 0,1%. Với cán bộ công chức cấp xã, hiện có 3.868/4.234 biên chế được giao, trong đó có tới 37% cán bộ, chủ chốt chưa đạt chuẩn theo yêu cầu.

Đơn cử như lĩnh vực quản lý thị trường có nhiều diễn biến phức tạp nên đòi hỏi lực lượng quản lý phải thường xuyên, liên tục có mặt tại hiện trường, trong khi chỉ tiêu biên chế được phân bổ hạn chế, lực lượng mỏng.

Hiện Chi cục Quản lý thị trường có 20 cán bộ, không đủ các điều kiện về trình độ chuyên môn cũng như trình độ lý luận chính trị để cấp thẻ kiểm tra thị trường. Bình quân 1 cán bộ quản lý thị trường phụ trách 1.124 hộ dân và 93 doanh nghiệp.

Hay như tại huyện Nghĩa Hành, hiện thiếu tới 13 trưởng, phó các phòng, ban. Năm 2014, có 8 cán bộ sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Trong khi đó chỉ có 3 người hội tụ các điều kiện cần và đủ để bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó các phòng ban.

Số lượng biên chế được giao của huyện Nghĩa Hành là 1.196 người, biên chế hiện có 1.081 người. Về trình độ chuyên môn chỉ có 1 thạc sĩ (chiếm 0,1%).  Ông Phan Bình- Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành than thở: “Thực tế hiện nay, bài toán nguồn nhân lực quả rất gian nan với huyện”.

Theo ông Trần Văn Thanh- Giám đốc Sở Nội vụ, công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh tuy đã được quan tâm, có nhiều nỗ lực, nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ của đa số cán bộ, công chức vẫn còn thấp nên khó tuyển nhân lực để đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Không ít cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đề án tuyển chọn bổ sung tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ cấp tỉnh, huyện thực hiện chưa quyết liệt. Các chính sách khuyến khích của tỉnh về đào tạo và thu hút nhân tài có bước đột phá, dẫu vậy so với nhu cầu phát triển kinh tế hiện nay vẫn chưa tương xứng.

 

b
37% cán  bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn theo yêu cầu. Ảnh có tính minh hoạ

 

Đặc biệt cán bộ chủ chốt cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ, nhưng các cấp chưa mạnh dạn thay thế, còn nể nang, dẫn đến hiệu quả hoạt động công vụ thấp, gây nhiều trở ngại cho việc bố trí lớp cán bộ trẻ được đào tạo chính quy, bài bản về công tác tại địa phương.

Giải pháp khắc phục?

Chia sẻ về hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian đến, ông Trần Văn Thanh- Giám  đốc Sở Nội vụ cho biết: Mục tiêu hướng đến là “Trí thức hóa đội ngũ cán bộ xã, chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ huyện và nâng tầm chiến lược đội ngũ cán bộ cấp tỉnh”.

Để làm được điều này, các đơn vị phải triển khai thực hiện tốt công tác thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có trình độ cao cho tỉnh theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Hằng năm, phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, kỹ năng hội nhập, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Mặt khác, các đơn vị phải chủ động về nhu cầu biên chế của mình ở từng thời điểm, từ đó xác định rõ nhu cầu trong tuyển dụng những ngành thực sự cần thiết, sử dụng cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của mình. Chú ý đến tính đặc thù của từng lĩnh vực, ngành và địa phương khi quyết định chính sách.

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ sẽ thực hiện luân chuyển biên chế từ nơi thừa sang nơi thiếu, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Làm được điều đó là một trong những cách thức để từng bước chấm dứt tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay.



Bài, ảnh: Ái Kiều


.